Hội thảo: “Ngành công nghiệp cơ khí với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.
Mục đích buổi Hội thảo nhằm làm rõ vấn đề là phát huy nội lực của các doanh nghiệp cơ khí-xây dựng để tự chủ phát triển các dự án đường sắt Việt Nam; khả năng đáp ứng của ngành cơ khí Việt Nam, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong tương lai đối với ngành đường sắt Việt Nam.
TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: “Ngành vận tải đường sắt được đặc biệt quan tâm tại hầu hết các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Sau mội thời gian dài không được quan tâm đúng mức, ngành vận tải đường sắt nói riêng và ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam nói chung đã bị xuống cấp không những không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn là một trong những nguyên nhân làm cho giá thành logistic của Việt Nam vào loại cao trên thế giới, nó làm cho giá thành hàng hoá Việt Nam kém cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế, giảm sự hấp dẫn trong đầu tư…”.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ: khả năng tự chủ trong việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt (bao gồm đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô và đường sắt quốc gia); Các tồn tại, bất cập hiện nay trong việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam và các giải pháp để gỡ bỏ các vướng mắc này; Đánh giá được năng lực các doanh nghiệp cơ khí, chiến lược phát triển cơ khí trong việc tham gia vào Chương trình phát triển đường sắt Việt Nam…; Xác định được các hạng mục công việc chính trong việc xây dựng các hệ thống đường sắt, đánh giá khả năng nội địa hóa các hạng mục cũng như đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết cho việc nội địa hóa…
TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam: Ngành cơ khí Việt Nam có khả năng làm được nhiều chủng loại sản phẩm và có thể đáp ứng được trên 50% nhu cầu trong nước nếu được đầu tư đầy đủ và kịp thời.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam tiếp tục khẳng định, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng cho việc phát triển các ngành công nghiệp khác, là then chốt cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là bệ phóng cho công nghiệp 4.0. Thực tế đã chỉ ra, trên thế giới các quốc gia thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá đều phải có ngành cơ khí mạnh. Ngành cơ khí Việt Nam có khả năng làm được nhiều chủng loại sản phẩm và có thể đáp ứng được trên 50% nhu cầu trong nước nếu được đầu tư đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên nguồn lực Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực xã hội còn có hạn chế.
Từ thực trạng trên, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Nhà nước cần rà soát lại các nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm; Tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các luật và văn bản dưới luật; Chính phủ sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước; Có quy định mới về tài chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính trong nước; Bản thân các doanh nghiệp nên tự đầu theo hướng “chuyên môn hoá sâu, hợp tác hoá rộng”…
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận hướng tới mục tiêu: tự chủ trong việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt bao gồm đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô và đường sắt quốc gia; phân tích các tồn tại, bất cập hiện nay trong việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam để đưa ra các giải pháp gỡ bỏ vướng mắc; đánh giá năng lực các doanh nghiệp cơ khí, chiến lược phát triển cơ khí trong việc tham gia vào Chương trình phát triển đường sắt Việt Nam; xác định các hạng mục công việc chính trong việc xây dựng các hệ thống đường sắt, đánh giá khả năng nội địa hoá các hạng mục cũng như đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết cho việc nội địa hoá…
TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí khẳng định: Việc xây dựng một cơ chế chính sách nhằm làm chủ công nghệ thiết bị giao thông đường sắt là việc rất cần thiết và cấp bách.
TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) khẳng định: “Việc xây dựng một cơ chế chính sách nhằm làm chủ công nghệ thiết bị giao thông đường sắt là việc rất cần thiết và cấp bách, vì điều đó không những phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển của đất nước mà còn giúp chúng ta kiểm soát được chi phí đầu tư dự án một cách hiệu quả, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các đơn vị cơ khí trong nước, giảm nhập siêu, tạo động lực phát triển và đột phá cho nền kinh tế ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng.”
Ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Đề xuất định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam, ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, vấn đề chuyển giao công nghệ phải đặt lên hàng đầu. Việt Nam cần có những tiêu chí, nguyên tắc ràng buộc trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp. Mặt khác, cũng cần các ràng buộc mang tính nguyên tắc để giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, phụ kiện cũng như sản phẩm công đoạn phù hợp với từng giai đoạn cũng như trình độ phát triển và năng lực sở trường của các công ty trong nước. Nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận tham gia dự án để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước (đặc biệt đối với doanh nghiệp cơ khí, chế tạo), cần điều chỉnh, ban hành các quy định về đấu thầu nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng thiết bị, vật tư hàng hóa sản xuất trong nước và tăng cường quản lý các gói tổng thầu về máy móc thiết bị tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước; Bảo vệ thị trường nội địa và người tiêu dùng thông qua việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế thông qua việc hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí… Cùng với đó là việc thành lập những cơ sở chuyên sâu nghiên cứu về đường sắt như Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt cũng rất cần thiết…
PGS. TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kết luận Hội thảo.
Tổng hợp các ý kiến phát biểu, PGS. TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kết luận Hội thảo: 1) Tiếp tục kiến nghị Chính phủ có được Bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ cho hệ thống đường sắt phù hợp đảm bảo có lãi, chở được hàng, giảm CO2; 2) Năng lực của các doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam, kiến nghị nhất thiết phải làm chủ trong việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt, tự chủ trong việc xây dựng và nội địa hoá tối đa (thiết kế, quản lý dự án, xây dựng, đầu máy… khoảng 60-70%), kiến nghị Chính phủ bảo vệ thị trường để các doanh nghiệp phát triển. Việc cần làm ngay: Đề nghị Chính phủ thành lập Ban Quản lý việc phát triển các dự án đường sắt; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho ngành đường sắt; Xây dựng lộ trình tổng thể thống nhất để nội địa hoá hệ thống đường sắt; Ban hành các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia và các chương trình phát triển hệ thống đường sắt. Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ được tổng hợp và gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.