Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động 9 tháng đầu năm tăng 12,8% so cùng kỳ. Nhiều DN nhỏ và vừa có nhu cầu vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được vốn tín dụng mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể.
"Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để hỗ trợ DN nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn, giảm hàng tồn kho còn nhiều hạn chế. Chỉ số hàng tồn kho trong một số ngành đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Năng lực quản trị DN của các DN nhỏ và vừa còn thiếu và yếu. Hệ thống cơ quan triển khai thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp DN nhỏ và vừa còn yếu, chưa đồng bộ từ trung ương đến địa phương", Chính phủ nhận định.
Các giải pháp miễn giảm thuế phần nào giảm chi phí của DN. Tuy nhiên, tổng mức miễn giảm thuế được thực hiện chỉ ở mức thấp nên khó có thể tác động lớn trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang ở mức thấp. Ngoài ra, các khoản thuế và tiền sử dụng đất được gia hạn của năm 2012 sẽ được thu trong năm 2013 cũng làm trung hòa tác động của việc giảm thuế được thực hiện trong nửa cuối năm 2013.
Năm 2012, gia hạn khoảng 9.198 tỷ đồng tiền thuế và sử dụng đất, bao gồm: 5.021 tỷ đồng thuế GTGT phát sinh trong tháng 6-2012, 4.177 tỷ đồng tiền sử dụng đất năm 2012 đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính trong thời hạn tối đa 12 tháng.
DN dần phục hồi và số thành lập mới được cả thiện một phần do môi trường đầu tư được cải thiện. Nhiệm vụ này được quan tâm thực hiện như cải cách thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm thuế thu nhập DN.... đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung và DN đầu tư nước ngoài nói riêng.
Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp phép cho thấy kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng trở lại. Có thể kể ra như dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử; dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định; dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2013, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký 17.632 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 58 dự án với tổng vốn tăng thêm 12.696 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn 30.328 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn ưu tiên tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất. Đồng thời, có giải pháp cụ thể giúp DN còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, các DN có triển vọng, có thị trường tiêu thụ. Tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp. Thúc đẩy hoạt động Công ty quản lý tài sản, khai thông dòng vốn tín dụng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu… nhằm hỗ trợ thuận lợi nhất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp DN phục hồi và phát triển, tạo đà cho tăng trưởng.