Đội ngũ nhà giáo GDNN là lực lượng chủ yếu và trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện học sinh, sinh viên của các cơ sở GDNN trên phạm vi cả nước. Việc phát triển nhanh GDNN, trong đó, có phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn được xác định là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030.
Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo GDNN trên cả nước phát triển nhanh về số lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo GDNN từng bước được chuẩn hóa.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay cả nước có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm với gần 84.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Trong đó, có 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo GDNN tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Hầu hết, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt chuẩn chức danh nghề theo quy định. 31,7 % có trình độ trên đại học; 60,1% có trình độ đại học, cao đẳng, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Cơ cấu nhà giáo cơ bản phù hợp với mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực.
Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu nhà giáo ở nhiều cơ sở GDNN (các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN…) hiện nay còn thiếu đội ngũ có trình độ kỹ năng nghề cao, thiếu nhà giáo giảng dạy ở các ngành nghề chuyển giao cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN. Số lượng cán bộ quản lý nhà nước ở các địa phương còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Năng lực chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng nghề của một bộ phận nhà giáo nhìn chung còn hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng cập nhật công nghệ mới, tiên tiến của khu vực và thế giới vào trong giảng dạy. Năng lực quản lý, quản trị và trình độ đào tạo của nhiều cán bộ quản lý các trường trung cấp, trung tâm GDNN còn bất cập, chưa chuyên nghiệp, chưa thích ứng với sự thay đổi của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế để đổi mới công tác quản lý tổ chức và hoạt động GDNN.
Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0
GDNN có vai trò quan trọng trong việc cung ứng nhân lực có kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Trong bối cảnh giáo dục và đào tạo Việt Nam đang tích cực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì vai trò của nhà giáo nói chung và nhà giáo GDNN nói riêng đóng vai trò chủ đạo, là trung tâm của kỷ nguyên số hóa.
UNESCO đã tổng kết rằng, các thách thức của đào tạo nhà giáo GDNN khác hẳn so với đào tạo giáo viên nói chung và cần đặc biệt chú ý các kỹ năng và năng lực phải thường xuyên cập nhật cùng với phát triển công nghệ trong liên kết công nghiệp. Phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học.
Để phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong các cơ sở GDNN, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo cần phải được đổi mới một cách toàn diện; từ việc hoàn thiện chế độ, chính sách; chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; đổi mới hoạt động của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đến việc quản lý, sử dụng nhà giáo….
Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề thành thạo, các trường phải trang thiết bị dạy nghề, đào tạo nghề hiện đại phục vụ rèn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên. Hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ 21 đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo. Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển nhanh đội ngũ người dạy nghề tại doanh nghiệp để tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.