Giá thép tăng phi mã
Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Tùng – Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long cho biết, thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2.
“Giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi rất “ngại” nhập thép ở thời điểm này. Tuy nhiên, khi làm công trình, chúng tôi và chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng, cho nên vẫn phải ngậm ngùi nhập thép”, ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, thời điểm này, không những giá thép tăng cao mà việc nhập thép cũng rất khó khăn, có dấu hiệu ghim hàng. Một số nhà máy sản xuất thép không nhận đơn đặt hàng hoặc nếu có đơn thì số lượng cũng ít hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán rất nhiều. “Trước đây, nhà máy sản xuất thép thường nhận đơn đến tối, nhưng bây giờ họ chốt đơn đến 16h chiều, đến hôm sau ra thông báo tăng giá mới. Có những ngày, lãnh đạo công ty tôi phải xuống trực tiếp nhà máy thép để đàm phán, mới có sản phẩm”, ông Tùng nói.
Theo PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giá thép Việt Nam tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam. Sau thời điểm “ế” từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì đến nửa sau năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều công trình xây dựng trở lại, nguồn cầu về thép tăng cao dẫn đến hàng bị khan hiếm. Kết hợp với giá dầu thế giới tăng trở lại, đẩy giá thép tăng cao. “Tôi cho rằng, giá thép tăng cao chỉ mang tính cục bộ, 6 tháng tới thì cung - cầu sẽ điều tiết lại. Tuy nhiên, thời gian này, Bộ Công Thương cần nhanh chóng điều tiết, để có thể cân đối nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu trong điều kiện ngắn hạn… để giá thép hạ nhiệt, đáp ứng dần nhu cầu sản xuất”, ông Thịnh nói.
Không thể điều tiết giá thép trong một sớm một chiều
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào cao. Cùng kỳ năm ngoái, giá quặng là 90 USD/tấn, nhưng hiện nay giá quặng đã lên 193 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu hiện hữu rơi vào khoảng 15 triệu tấn quặng sắt mỗi năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Hay giá thép phế, trước đó là 260 USD/tấn, đến nay đã rơi vào khoảng 430 USD/tấn.
"Thực tế, Việt Nam đang rất lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Trong nước, với thép chế tạo, Fomasa sản xuất được 3,5 - 4,5 triệu tấn, Hoà Phát sản xuất được 600 ngàn tấn. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép mỗi năm. Điều này dẫn đến việc giá thép leo cao", ông Thành phân tích.
Nói về việc có hay không tình trạng các doanh nghiệp sản xuất găm hàng, ép giá, ông Thành cho rằng, việc "đầu cơ" khó xảy ra, vì thép đòi hỏi vốn tương đối lớn. Về phần mình, Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo sát thị trường nếu có hiện tượng bán phá giá, Nộ sẽ có biện pháp phòng vệ thương mại.
Cũng theo ông Thành, thép không phải là hàng hoá điều chỉnh giá, nên nếu nói đến việc điều tiết giá cả thị trường trong một sớm một chiều với mặt hàng này là khó có thể thực hiện.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép khởi động lại các dự án khai thác mỏ sắt để có thể chủ động nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu. Bộ cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh việc trà trộn thép chất lượng thấp, chất lượng cao.
Lê Hòa (nguồn: theo Phạm Dung - Cường Ngô, https://laodong.vn/thi-truong/qua-le-thuoc-vao-nhap-khau-doanh-nghiep-khoc-rong-vi-gia-thep-leo-cao-903734.ldo)