Ngay từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc gia đình làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh lên 80%, thay vì 30% như mức hỗ trợ của Trung ương. Nhờ đó, rất nhiều gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp trên địa bàn có điều kiện tiếp cận BHYT.
Theo ông Ngô Văn Chiến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh, không chỉ hỗ trợ bằng chính sách trên mà tỉnh Quảng Ninh còn một loạt những chính sách hỗ trợ BHYT riêng. Cụ thể, theo Nghị quyết số 229/2019/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh về việc Ban hành chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác (quy định của Trung ương là từ 80 tuổi trở lên); Quyết định số 1161/QĐ-UBND Ngày 4/5/2013 của UBND tỉnh về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo từ 70% lên 100% mức đóng BHYT; Quyết định 292/2016/QĐ-UBND ngày 1/2/2016 về thực hiện chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020...
Làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều điểm thu BHYT để bảo đảm cho người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với thông tin về BHYT và thuận lợi cho việc tham gia BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến BHYT, thực hiện cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; cấp lại thẻ BHYT do thay đổi thông tin; thu, cấp thẻ BHYT hộ gia đình đều được thực hiện thẩm định và phê duyệt tại trung tâm hành chính công cấp huyện. Thời gian cấp thẻ BHYT được thực hiện ngay trong ngày... Ngành tiếp tục thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử qua mạng Internet, dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả BHXH, BHYT qua đường bưu điện...
Nơi để người dân cảm nhận rõ nhất lợi ích của việc tham gia BHYT chính là tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế trên địa bàn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh; đầu tư trang, thiết bị y tế hiện đại; chú trọng đào tạo trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế... Bởi vậy, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Ngay ở y tế tuyến huyện cũng đã triển khai được nhiều kỹ thật chuyên sâu... Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh xác định các đơn vị đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT để triển khai ký hợp đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương vào cuộc trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Ngay tại kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Quảng Ninh đề ra, đó là tích cực vận động người dân tham gia BHYT, hết năm 2020, mỗi xã có bình quân tối thiểu 95% người dân có thẻ BHYT.
Nhờ một loạt các giải pháp này mà đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh có 1.239.109 người tham gia BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt gần 94%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
VA