Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh
Phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch triển khai năm 2022.
Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 03 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Về phát triển xã hội số, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%. Trên 80% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; dịch vụ internet băng rộng được cung cấp đến 100% hộ gia đình; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, dịch vụ tư vấn sức khoẻ trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử đạt 100%. 50% các bệnh viện triển khai hệ thống thông tin điều hành bệnh viện thông minh; 100% thông tin y tế được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu của Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Quảng Ninh, của Sở Y tế và của Quốc gia. 100% các cơ sở khám chữa bệnh chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định. Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%.
Trong năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 8% trong GRDP. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 40%, khai khoáng chiếm 30%; 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chiếm 10%. Về xã hội số, phấn đấu tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 85%. Hoàn thành xây dựng phủ lõm tại 70 vị trí còn lõm sóng di động và 117 điểm khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lõm cáp quang băng rộng; 100% trường học, bệnh viện, trung tâm HCC các cấp, bộ phận một cửa, điện, nước và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% hộ gia đình có địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 90%, có chữ ký số cá nhân 15%. 100% người dân có sổ sức khoẻ điện tử được đưa vào sử dụng; 100% người dân trưởng thành sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa; triển khai hạ tầng mạng di động 5G tại khu hành chính của tỉnh, 03 bệnh viện thông minh, khu du lịch Tuần Châu. 100% địa phương cấp huyện có hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại, quản trị tập trung.
Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Đi đầu trong chuyển đổi số
Hiện tại, Quảng Ninh cũng đang là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Theo tính toán, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến độ 3, 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã giúp tỉnh giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Tỉnh đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.
Quảng Ninh và FPT ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ nền tảng của chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã hình thành và đang từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh trong năm 2019 và đây được coi là “bộ não số” của mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đang hướng đến.
Mới đây, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với ba doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.