Quang cảnh Hội nghị
Theo Phó Tổng giám đốc Lê Minh Tuấn, mục đích của buổi làm việc là để các bên cùng thảo luận làm thế nào sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khi vẫn đảm bảo phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và sinh hoạt của nhân dân. Cũng nhân cuộc họp này, Phó Tổng giám đốc mong muốn các Sở Công thương phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm trình kế hoạch sử dụng đất lên Hội đồng nhân dân tỉnh, hỗ trợ giải quyết vướng mắc với những dự án đi qua rừng phòng hộ, ủng hộ chương trình điều hòa phụ tải vào giờ cao điểm để giảm căng thẳng cho hệ thống, tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Ông Hà Anh - Phó Giám đốc PC Lào Cai phát biểu tại cuộc họp
Tại Hội nghị, lãnh đạo các PC đã thông tin nhanh về hiện trạng lưới điện 110kV trong khu vực, nhu cầu phát triển phụ tải, tình hình thực hiện dự án, đồng thời kiến nghị các công trình cần điều chỉnh quy mô, tiến độ và vị trí cho phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của phụ tải. Do khu vực Tây Bắc là nơi tập trung các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nên nhiều công trình 110kV ở đây, ngoài mục đích đảm bảo điện cho đời sống nhân dân còn có chức năng giải tỏa công suất thủy điện. Vì vậy, các đại diện của ngành Điện đều kiến nghị Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng một số danh mục để đảm bảo việc đấu nối và truyền tải lưới điện.
Ông Hà Anh – Phó Giám đốc PC Lào Cai cho biết: “Để giải tỏa công suất thủy điện tại tỉnh Lào Cai, đề nghị Sở Công thương yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng một số công trình như: Đường dây 110kV Văn Bàn – Nậm Khoáng, đường dây mạch kép 110kV Văn Bàn đến thủy điện Minh Lương, đường dây 110kV Văn Bàn đến thủy điện Nậm Tha và trạm cắt Trì Quang để đấu nối Thủy điện Nậm Phà, Nậm Khánh và Bảo Nha”.
Bên cạnh các trạm 110kV thuộc tài sản ngành Điện, Tây Bắc cũng là nơi có nhiều trạm biến áp 110kV chuyên dùng của khách hàng, đơn cử như tỉnh Sơn La, trong số 17 trạm biến áp thì có tới 11 trạm của khách hàng, Lào Cai có 25 trạm biến áp thì ngành Điện chỉ có 6 trạm. Việc kết nối các trạm biến áp này về Trung tâm điều khiển xa của các PC là điều cần thiết để đảm bảo nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện quốc gia cũng như kiểm soát được tình hình chung theo yêu cầu mới của Bộ Công thương và Ban chỉ đạo Lưới điện thông minh của chính phủ. Do đó, ngành Điện cũng kiến nghị Sở Công thương yêu cầu các chủ đầu tư sẵn sàng kết nối scada, thông tin đo xa về TTĐKX của các công ty điện lực.
Tại cuộc họp, đại diện các Sở Công thương đều gửi lời cảm ơn EVNNPC đã đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời ủng hộ kiến nghị của ngành điện về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch đối với một số công trình. Sở Công thương cũng sẽ phối hợp với các bên liên quan để hoàn thiện các thủ tục cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Điện trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn.
Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên thuộc khu vực Tây Bắc Bộ, được cấp điện bởi các TBA 220kV và các nhà máy thủy điện (NMTĐ) đấu nối lưới điện trung áp, 110&220kV. Trong đó, Lào Cai, Lai Châu có 02 TBA 220kV, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La có 01TBA 220kV; tỉnh Điện Biên chưa có TBA 220kV.
Ngoài tỉnh Lào Cai có phụ tải tương đối tập trung, các tỉnh còn lại phụ tải nằm rải rác và có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với trung bình của Tổng công ty. Tuy nhiên, đây là nơi tập trung nhiều NMTĐ đấu nối lưới điện 110kV và 220kV, đặc biệt là khu vực Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu. Hiện, các tỉnh trên có 153 NMTĐ đấu nối lưới điện trung áp, lưới 110kV với tổng công suất đặt 2.023MW và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Năm 2018, tổng sản lượng điện thương phẩm của tỉnh Hòa Bình đạt 835,65 triệu kWh tăng trưởng 8,67% so với năm 2017; Sơn La: 538,3 triệu kWh tăng, 8,3%; Lào Cai: 2,609 tỷ kWh, tăng 14.38%; Lai Châu: 163.5 triệu kWh; Điện Biên: 243 triệu kWh, tăng 12.23%. Trong năm, Tổng công ty đầu tư 179 tỷ đồng cho lưới điện tại Hòa Bình; Sơn La: 410 tỷ đồng; Điện Biên: 142 tỷ đồng; Lai Châu: 114 tỷ đồng; Lào Cai: 159 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, EVNNPC hoàn thành khoảng 19 công trình ĐTXD và đang triển khai 20 công trình trong khu vực.
PHƯƠNG ANH