Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 trên địa bàn, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp Thành phố tháng 5 ước tăng 1,1% so với tháng 4 và tăng 6,2% so với cùng kỳ 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đang tăng cao.
Tính chung 5 tháng, IIP toàn Thành phố tăng 5,3%, là mức tăng cao nhất 3 năm qua, "cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi". Giai đoạn 5 tháng đầu 2022 và 2023, IIP tăng lần lượt 3,7% và 1,4%.
Nhóm ngành tăng mạnh gồm ngành khai khoáng tăng 42,7%; công nghiệp biến, chế tạo tăng 4,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,1%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,6%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 12,1%.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố, hóa dược, chế biến lương thực thực phẩm và cơ khí đều có IIP tăng trưởng, chỉ điện tử suy giảm. Cụ thể, các ngành công nghiệp trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,9%; ngành cơ khí tăng 1,2%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 0,8%.
Công nghiệp chế biến - chế tạo nói chung tăng 4,9% trong 5 tháng, với một số sản phẩm tăng mạnh như bao bì; sổ sách, vở; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa.
Cũng theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua của Thành phố đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Cùng giai đoạn, nhập khẩu đạt 22,8 tỷ USD, tăng 6,3%, là chỉ báo cho thấy sản xuất khả năng tốt dần lên khi nhu cầu mua nguyên liệu đầu vào nhích lên.