Việc Việt Nam kết thúc các vòng đàm phán cuối cùng để chính thức gia nhập WTO là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để có được tấm thẻ thành viên WTO, Việt Nam đã phải mất gần 12 năm kiên trì và vượt qua các vòng đàm phán cam go khi các đối tác đưa ra những điều kiện bất lợi. Để được tham gia vào tổ chức này, Việt nam đã phải thay đổi rất nhiều về mặt thể chế và môi trường kinh doanh. Mặt thành công nhất của Việt Nam khi gia nhập WTO là các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với thị trường toàn cầu trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, không bị rào cản của thuế quan và phi thuế quan.
WTO là diễn đàn thương mại nên các doanh nghiệp của các nước thành viên đều có quyền bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp. Các thành viên được đổi xử công bằng về luật pháp, có nghĩa là các doanh nghiệp tại các nước thành viên có nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam sẽ có cơ hội và có quyền khiếu nại và thương lượng một cách công bằng hơn với doanh nghiệp tại các cường quốc kinh tế khi có tranh chấp. Việc gia nhập WTO mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư vào Việt nam. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và cả nguồn nhân lực đều có cơ hội giao lưu và tham gia vào sự phân công lao động toàn cầu.
Mặt khác, những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi Việt Nam tham gia vào WTO cũng không phải là ít. WTO là sân chơi chung cho thị trường toàn cầu nên doanh nghiệp buộc phải tuân thủ những luật chơi, mà ở đó người thắng cuộc là những doanh nghiệp mạnh và hoạt động có hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam dù lớn hay nhỏ cũng đều có mối lo chung là có nguy cơ bị lấn lướt bởi các doanh nghiệp nước ngoài có thâm niên hoạt động theo cơ chế thị trường và có nền tài chính hùng hậu. Bởi vì doanh nghiệp Việt Nam dù sao cũng yếu thế hơn về kỹ năng kinh doanh trong môi trường toàn cầu, thậm chí là yếu hơn về nguồn vốn, nhân lực và kỹ năng tiếp cận thông tin.
Tham gia WTO là mở cửa thị trường. Không chỉ những doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng xuất nhập khẩu phải chịu sức ép của hàng hóa nước ngoài mà hàng hóa trong nước cũng sẽ chịu sự cạnh tranh không kém của các mặt hàng này. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, không loại trừ khả năng một số ngành kinh tế sẽ bị chết yểu trước sức tấn công của hàng hóa ngoại nhập.
FTA – Thuận lợi và khó khăn
FTA là Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Cho đến thời điểm hiện tại, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương của Việt Nam đã và đang có hiệu lực, và đã có những tác động đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp, đến người dân. Từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế thế giới khi các FTA phát huy hiệu quả. Tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 Hiệp định mang tính khu vực gồm các Hiệp định: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand. Hai Hiệp định còn lại là 2 hiệp định song phương với Nhật Bản và Chile. Các Hiệp định tập trung chủ yếu ở Đông Á và có 6 Hiệp định ASEAN với đối tác bên ngoài. Trong đó, có 2 Hiệp định cơ bản hoàn tất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan và với Hàn Quốc đang tiến hành rà soát pháp lý để ký kết chính thức. Còn Hiệp định với Liên minh châu Âu đã chính thức được ký kết ngày 29/5/2015.
Khi tham gia các FTA, doanh nghiệp Việt nam sẽ được mở thêm nhiều cánh cửa cho thị trường xuất khẩu. Mà đối với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam thì việc mở rộng thị trường rất quan trọng. Các FTA là cơ hội mới đối với doanh nghiệp, là cơ hội dịch chuyển, động lực tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo ra cơ hội mới để doanh nghiệp lao vào cạnh tranh. Lợi thế cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước FTA là cơ hội để phát triển xuất khẩu, khi các quốc gia tham gia FTA sẽ phải giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam khi đi vào thị trường của họ theo như cam kết. Điều này sẽ tạo thêm động lực cho sản xuất, mở rộng thị phần kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước. Một thế mạnh khác khi Việt Nam tham gia hội nhập là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh. Điều đó cũng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh những thuận lợi được đề cập ở trên, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi Việt Nam gia nhập FTA. Những rủi ro đến từ sự cạnh tranh của các thị trường quốc tế tràn vào nội địa, rủi ro từ chính thị trường trong nước với cơ cấu kinh tế, thể chế…
Khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải là năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trong khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới. Vì vậy, khi hàng rào thuế quan không còn thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Thực trạng các doanh nghiệp xuất khẩu ở ta đại đa số hàm lượng giá trị gia tăng trong nước còn thấp. Nói cách khác doanh nghiệp Việt Nam còn ở khâu giá trị thấp và dễ bị thay thế, không bền vững. Điều đó khiến doanh nghiệp Việt Nam dễ thua trên sân nhà hoặc có cơ hội mà không tận dụng được.
Có một yêu cầu rất cao đối với các doanh nghiệp là các doanh nghiệp chỉ đạt được những lợi ích FTA đem lại khi đã nằm hoàn toàn trong chuỗi cung ứng của họ chứ không phải là một đơn vị hợp tác. Muốn vậy, thì doanh nghiệp Việt phải mất nhiều chi phí, chi phí đó chắc chắn ai cũng phải bỏ ra nhưng không phải ai cũng thành công, có nhiều người sẽ thất bại. Trong quá trình này, doanh nghiệp nào tận dụng được lợi ích sẽ vượt lên. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công dù đều bỏ ra chi phí. Điều đó bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới trong tư duy và cả trong cách thức kinh doanh.
TPP – Không đơn giản là tăng trưởng xuất khẩu
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ tiếp cận thị trường, hàng rào kỹ thuật cho đến mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề xa hơn như môi trường, lao động. Khi Hiệp định hoàn thành các vòng đàm phán và đi vào thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Khi TPP đi vào thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nam. Đầu tiên phải kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt nam sẽ được phân bổ đồng đều hơn tại các khu vực trên toàn cầu. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Châu Á vẫn chiếm phần nhiều. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta nếu khu vực này có biến động xấu về kinh tế. TPP sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường của các khu vực khác như Châu Âu, Châu Mỹ… để tránh được rủi ro về mặt tăng trưởng xuất khẩu. Thứ hai là nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt nam như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi vào các thị trường như Nhật Bản, Canada và Mỹ vì khi thực hiện TPP các nước này sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các mặt hàng trên của Việt Nam. Thứ ba là các cam kết cải thiện môi trường đầu tư của Việt nam sẽ là cơ hội lớn để dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt nam ngày càng nhiều, khi đó Việt nam sẽ giải quyết được nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu mà TPP mang lại.
Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có TPP cũng rất mạnh. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tràn về Việt Nam ngày càng nhiều và khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là người tiêu dùng Việt nam có xu hướng thích dùng hàng ngoại nhiều hơn. Các doanh nghiệp Việt nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn nhất là các doanh nghiệp trong các ngành như ô tô, thực phẩm, đường, ngân hàng, phân phối, viễn thông… hoặc là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn ít.
WTO, FTA hay TPP đều hoạt động dựa trên mục tiêu chính là nâng cao mức sống của nhân dân các nước thành viên, đảm bảo việc thúc đấy tăng trưởng kinh tế, thương mại và sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực của thế giới. Do vậy, để có sức cạnh tranh nhiều hơn cho các doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ để họ thích ứng với các quy định của WTO, FTA hay TPP bằng cách thành lập cơ quan đầu mối thông tin, chịu trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đào tạo lại và tư vấn về cách thức để tận dụng được các cơ hội thị trường mới. Đấy là những động lực để thúc đẩy nền kinh tế của các nước thành viên phát triển nhanh và hiệu quả nhất.