- Thời gian qua, số hiệp hội được thành lập đã tăng lên đáng kể ở cả Trung ương và địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã thấy cần có sự hỗ trợ của hiệp hội, thấy được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hiệp hội, ở một chừng mực nhất định họ thấy được vai trò là đầu mối để xúc tiến thương mại, chắp mối bạn hàng, kết nối thông tin, hướng dẫn bán hàng và tập huấn cho doanh nghiệp. Về quy định của pháp luật, chúng ta đã có nghị định về tổ chức của hiệp hội, cho nên có thể nói trong thời gian qua có bước tiến về tổ chức, thành lập hội, về hoạt động của hội, tuy chưa cơ bản, sâu sắc.
- Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo bàn về tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng theo kiểu buôn có bạn, bán có phường. Nhưng 70% các doanh nghiệp được hỏi trong cuộc khảo sát của VCCI không muốn tham gia hiệp hội, con số này nói lên điều gì, thưa nguyên Trưởng ban?
- Con số 70% doanh nghiệp không muốn tham gia hiệp hội nói lên nhiều điều. Thứ nhất,bản thân các doanh nghiệp cảm thấy không thật sự cần thiết vai trò của hiệp hội. Qua đó phản ánh hội chưa làm tốt vai trò đại diện của mình. Thứ hai, các doanh nghiệp không nhận thức được hiệp hội là công cụ, là tổ chức để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Thứ ba, các doanh nghiệp chỉ nhìn ở ngắn hạn, là hiệp hội có giới thiệu cho mình bạn hàng không, hiệp hội giúp gì, chứ không nhìn được vai trò lớn hơn là thông qua hiệp hội để bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, bảo vệ cạnh tranh, đồng thời trong phương diện hội nhập kinh tế quốc tế, hội sẽ là đầu mối để xúc tiến mậu dịch.
- Phần lớn hiệp hội đều có bộ máy “già”, mang đậm dấu ấn hành chính. Có tới 83% là cán bộ công tác ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, theo như khảo sát của VCCI. Điều này có gì khác so với các hiệp hội ở các nước và tác động như thế nào đến hoạt động của các hiệp hội, thưa nguyên Trưởng ban?
- Ở các nước, hiệp hội tổ chức theo mô hình ban lãnh đạo hiệp hội là những doanh nhân thành công, có uy tín trên thương trường và được thử thách, họ đưa ra đường lối phát triển của hội để bảo vệ lợi ích của hội viên, bao gồm vấn đề xây dựng chính sách phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về phát triển về thương mại, về thị trường cho hội viên. Vấn đề điều hành hàng ngày là do ban điều hành, ban điều hành có tính chuyên nghiệp cao để có thể hiện thực hóa những ý kiến những chủ trương của ban quản trị, ban chấp hành. Vì vậy hoạt động của họ mang tính chuyên nghiệp cao. Về kinh phí, họ có nguồn kinh phí tương đối ổn định, khoảng 40% từ phí hội viên, 30% từ các hoạt động do hội tiến hành, 30% là tài trợ, trong đó có cả dịch vụ làm với cơ quan nhà nước và được trả tiền.
- Như vậy, có thể hiểu hoạt động của hiệp hội ở Việt Nam thời gian qua thiếu chuyên nghiệp có nguyên nhân từ cơ cấu bộ máy nhân sự và cách thức điều hành?
- Theo tôi có cả hai yếu tố đó, nhưng quan trọng nhất phải hiểu hiệp hội không phải cánh tay nối dài của Nhà nước, hiệp hội đại diện tiếng nói cho một cộng đồng doanh nghiệp. Cứ quan niệm hiệp hội là đại diện cho một nhóm cộng đồng doanh nghiệp nào đó thì tự khắc có nhiều sáng kiến để phục vụ doanh nghiệp.
- Theo nguyên Trưởng ban, tại sao chúng ta không có những mô hình hiệp hội được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người đứng ra thành lập không phải là làm thêm, kiêm nhiệm?
- Pháp luật của nhiều nước quy định quyền thành lập hội là quyền tự do của doanh nghiệp. Bản thân việc thành lập hội cũng là một quá trình cạnh tranh để dành hội viên, quay trở lại để phục vụ hội viên. Vì tính chất gay gắt như vậy nên chỉ hiệp hội nào thể hiện được tiếng nói của hội viên, của doanh nghiệp thì hiệp hội đó mới tồn tại, có cơ hội phát triển. Còn ở nước ta, do quy định pháp luật hiện hành nên trong lĩnh vực nào đó, ở một địa phương chỉ được thành lập một hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở đó. Trong hiệp hội thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính thu hút hội viên, chiến đấu để giành hội viên nên chúng ta có một số hạn chế trong hoạt động.
- Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hầu hết hiệp hội ngành hàng tại các nước phát triển dành 70% công việc của họ để giải quyết các vấn đề về tranh chấp thương mại. Vậy qua thực tế ở nước ta, nguyên Trưởng ban thấy các hiệp hội đã làm tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hội viên chưa?
- Theo dõi quá trình phát triển hội viên, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, thì thấy rằng trong điều kiện Việt Nam chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường, cạnh tranh quốc tế gay gắt, các hàng rào bảo vệ tại thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam chặt chẽ và tinh vi, nhiều hiệp hội có bước tiến, thậm chí những hiệp hội chuyên nghiệp, giải quyết rất tốt quyền lợi cho hội viên. Một số hội đã chuyển hướng và tôi thấy tác động tương hỗ, lan tỏa của các hội trong lĩnh vực này tương đối tốt.
- Theo nguyên Trưởng ban, các hiệp hội cần tăng cường bộ phận chuyên trách về pháp luật ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp?
- Theo tôi, hiện nay hiệp hội doanh nghiệp của chúng ta có 3 cái thiếu: vốn, nhân lực đủ khả năng, và trụ sở, phương tiện hoạt động. Cho nên việc hiệp hội thiếu bộ phận pháp chế để tư vấn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều kiện hội nhập kinh tế càng ngày càng sâu rộng, trong điều kiện pháp luật Việt Nam về điều kiện kinh doanh ngày càng thay đổi mạnh mẽ và hệ thống, là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu hình thức tổ chức không linh hoạt, thì việc phát huy vai trò của hiệp hội sẽ bị hạn chế. Chúng ta có cách tổ chức là liên kết, mời hội viên ở các hãng luật, các luật sư, chuyên gia pháp lý tham gia hội bằng các hình thức khác lỏng hơn, tức là có thể dưới dạng liên kết, mời các công ty luật, văn phòng luật sư hỗ trợ, tư vấn, mà không nhất thiết vào biên chế của hiệp hội.
- Trước những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, theo nguyên Trưởng ban, các hiệp hội nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp ở những nội dung công việc cụ thể nào?
- Thứ nhất, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên. Thứ hai, tổ chức công tác xúc tiến mậu dịch, phát triển ngành hàng thành trung tâm để biến các ngành hàng đó trong chuỗi giá trị gia tăng, biến nó thành công nghiệp phụ trợ hoặc công nghiệp chủ đạo ở trong nước và trong một số trường hợp nếu hiệp hội lớn mạnh thì phải nối quan hệ trong nước với quan hệ kinh tế quốc tế. Tiếp theo hoạt động này là cung cấp thông tin, đào tạo hội viên, cung cấp kinh nghiệm, kiến thức pháp lý để từ đó họ có thể chủ động, tham gia thương trường một cách tốt nhất.
- Theo nguyên Trưởng ban, các hiệp hội có trách nhiệm như thế nào trong việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị toàn cầu và nâng giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam?
- Đây là bức xúc của kinh tế Việt Nam. Chỉ có thể đặt kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ kinh tế toàn cầu mà mức độ quan hệ của chúng ta tương đối sâu rộng, không đơn thuần là gia công hoặc cung cấp thiết bị, những phần cuối cùng trong chuỗi giá trị mà phải dần dần từng bước biến thành nơi cung cấp giá trị cao và nằm trong vị trí quan trọng của chuỗi giá trị trong nước cũng như giá trị toàn cầu. Hiệp hội ngành hàng hơn ai hết phải tập hợp các hội viên cùng ngành với nhau, từ đó làm đầu mối để liên kết với các nhà sản xuất lớn trong nước và quốc tế, vươn ra các thị trường lớn thông qua vai trò của các hiệp hội: mở đường, dẫn đầu và tổ chức.
- Chân thành cám ơn nguyên Trưởng ban!