Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp ở nước ta phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thương mại của Việt Nam, chính vì vậy, các doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng, gặp khó dẫn tới giải thể. Đồng thời, doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn đầu tư thấp, trình độ quản lý kinh doanh thấp… nên khó cạnh tranh. Điều này cũng dễ dẫn tới việc doanh nghiệp dễ phá sản, giải thể khi không thể cạnh tranh được trên thương trường. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo quản lý lao động còn yếu kém, công tác quản lý hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế, còn thua kém các nước khác rất nhiều.
Nguồn: blogspot.com
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và chủ động hội nhập, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18.3.2014 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế. Thực hiện nghiêm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm bớt chi phí và thời gian của doanh nghiệp trong thành lập, phá sản doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng… Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp, chương trình hành động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, đề xuất nội dung xây dựng kế hoạch phát triển các doanh nghiệp này giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ yêu cầu sớm đưa quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động.
Mới đây, Bộ Công thương đã ký Quyết định số 11855/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 gồm 212 đề án của 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng. Việc phê duyệt sớm chương trình tạo điều kiện chủ động đẩy nhanh việc triển khai đề án của các đơn vị chủ trì, giúp các doanh nghiệp có thể tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm như thông lệ quốc tế. Tránh dồn các hoạt động của chương trình vào thời điểm cuối năm. Qua đó, giúp doanh nghiệp tận dụng được thêm nhiều các cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất với Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn những vấn đề doanh nghiệp gặp phải khi hội nhập, hoặc hỗ trợ về tài chính, hoặc lựa chọn và hỗ trợ những doanh nghiệp lớn nằm trong top ngành để cạnh tranh, đối ứng với doanh nghiệp nước ngoài bảo vệ hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước… Giống như Hàn Quốc từng có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn trong nước phát triển mạnh, đủ sức cạnh trạnh và có tầm ảnh hưởng toàn cầu…