Sự đột phá về thu hút FDI của Thái Nguyên gắn liền định hướng, khơi thông nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu với các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo... Phát huy lợi thế, tiềm năng về nhân lực, hạ tầng kết nối và sự chủ động trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch và nỗ lực nhiều mặt của tỉnh đã góp phần tạo kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên; có ý nghĩa lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phường Lương Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI khi vào Thái Nguyên vẫn là các khu công nghiệp (KCN). Thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy những tín hiệu rất lạc quan. Cụ thể, trong năm 2023 Ban đã đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh; cấp mới 48 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 320% kế hoạch năm, gấp 3 lần năm 2022, trong đó có 38 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 225,835 triệu USD.
Trong số các dự án FDI cấp mới, nổi bật là Dự án PVC Huali Việt Nam tại KCN Điềm Thụy (tổng vốn đăng ký 40 triệu USD), Dự án Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình (tổng vốn đăng ký 25 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Sông Công tại KCN Sông Công 1 (tổng vốn đầu tư 19,250 triệu USD)…
Cũng trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 121 dự án, trong đó có 23 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm 191,770 triệu USD và 997 tỷ đồng. Điển hình như Dự án Nhà máy Dowooinsys Vina điều chỉnh tăng 60 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư lên 120 triệu USD.
Kết quả, năm 2023, thu hút vốn đăng ký đầu tư FDI tăng thêm vào các KCN của tỉnh đạt 417,605 triệu USD, vượt 39,2% kế hoạch năm. Thái Nguyên tiếp tục thuộc top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Lũy kế đến nay, riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh có 302 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 167 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,83 tỷ USD.
Năm 2024, Thái Nguyên ưu tiên mời gọi đầu tư vào 199 dự án, trong đó 43 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu là đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên đã thu hút 462,7 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các nhà đầu tư FDI lớn rất ấn tượng về chuyển động của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, nhất là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Đây sẽ được coi là những yếu tố thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư FDI thời gian tới.
Trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…