Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Trung Thành Thái Nguyên.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 9.500 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 97%. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DNNVV chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ pháp lý, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm Nhiều cải cách về TTHC đã được vận dụng và áp dụng vào thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, như: Hỗ trợ DNNVV đăng ký 100% hồ sơ qua mạng; rút ngắn thời gian trả kết quả đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 1 đến 2 ngày, kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; trực tiếp hỗ trợ, tư vấn đối với các doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp….
Cùng với đó, tỉnh mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Song song đó là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thuế, kế toán như: DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các TTHC thuế và chế độ kế toán đơn giản.
Nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tỉnh tăng cường hỗ trợ DNNVV tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ. Đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số với 1.181 lượt người tham dự; hỗ trợ 244 lượt doanh nghiệp tham gia trải nghiệm thực tế các nền tảng số quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, dịch vụ chữ ký số, kế toán doanh nghiệp...
Để hỗ trợ DNNVV kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại đã tham mưu cho Sở Công Thương và UBND tỉnh tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ Xuân Thái Nguyên; Tuần hàng Việt - Thái Nguyên; Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; Chương trình đưa hàng Việt về miền núi; Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên; Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... ; phối hợp với các tỉnh/thành phố tổ chức và tham gia các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;...
Việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DNNVV, Thái Nguyên đang hiện thực hoá mục tiêu Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, sẽ tạo thêm việc làm cho 10.000-12.000 lao động; phấn đấu mỗi năm có trên 800 doanh nghiệp được thành lập mới; thu ngân sách Nhà nước từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng bình quân 10-12%/năm; giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 11%/năm trở lên; phấn đấu đến năm 2025 có 100% DNNVV được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và trên 10% doanh nghiệp số; hỗ trợ 10-20% DNNVV ứng dụng công nghệ số để hình thành doanh nghiệp thông minh, sản phẩm thông minh.