Báo cáo này ghi nhận một thực tế là hiện tại ở nhiều nền kinh tế trên thế giới còn chưa thống nhất khái niệm về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên đóng góp của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với các nền kinh tế là không hề nhỏ.
Báo cáo cho biết, hiện có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam do phụ nữ quản lý. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa này tạo việc làm cho 1,08 triệu lao động (trong đó có 0,44 triệu lao động nữ). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa này có tổng tài sản 2.803 tỷ đồng và nộp ngân sách hàng năm là 33,1 ngàn tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết có khoảng 24,8% doanh nghiệp nói chung do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho 1,63 triệu lao động, có tổng tài sản 3.858 tỷ đồng và nộp ngân sách 61,8 ngàn tỷ đồng.
Hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa phần tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, trong khi chiếm một tỷ lệ nhỏ (9%) và khiêm tốn (20%) ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam dường như đến nay mới có một văn bản duy nhất đề cập đến vấn đề này. Đó là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 30/6/2009. Tại khoản 1, điều 5 của Nghị định này có ghi : “...ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ”. Qua điều tra cho thấy phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp là nữ được hỏi đều không biết có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, chị cũng có biết nội dung trên của Nghị định 56 nhưng nếu nói như nghị định này thì có đề cập cũng như không. “Bởi các cơ quan quản lý trực tiếp và doanh nghiệp chẳng biết đường nào mà thực hiện” - vị nữ giám đốc này chia sẻ và cho biết thêm là có vẻ như cơ quan ban hành chính sách hướng tới doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Theo các chuyên gia, cần có những thay đổi trong quan điểm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ theo hướng: một là phải coi doanh nghiệp này là một đối tượng được hỗ trợ trong các quy định của các cơ quan nhà nước; hai là hỗ trợ cần được dựa trên nguồn lực và những quy định hiện có. Theo hướng này doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần được cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn vốn với mức độ công khai, minh bạch và có thể tiếp cận được.
Cần có chiến lược hoặc kế hoạch bồi dưỡng các doanh nhân nữ là chủ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.