Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế; thu nhập của người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp và giải thể của nhiều doanh nghiệp tăng cao. Trước thực trạng đó, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đây chính là sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung cao độ, huy động tổng lực triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động, không quản ngày đêm, kể cả trong ngày nghỉ; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện và tổ chức hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn quản lý. Các cán bộ, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội khẩn trương, tập trung rà soát, cập nhật, đối chiếu… đảm bảo chuyển tiếp hồ sơ nội bộ với phương châm nhanh nhất, hiệu quả nhất, giúp người lao động sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Theo đó, các đơn vị Bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện thực hiện việc rà soát và gửi thông báo giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp) và danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại từng đơn vị sử dụng lao động để đơn vị rà soát, lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động đã ngừng, nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của Luật Việc làm năm 2013.
Theo quy trình, khi nhận được danh sách người lao động đề nghị nhận hỗ trợ đã được bổ sung thông tin, trong đó có thông tin về số tài khoản ngân hàng do doanh nghiệp gửi, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ đến người lao động theo các mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sau 5 ngày quyết liệt triển khai, tính đến ngày 5/10 toàn ngành đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng đã chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 7.416 người lao động, với tổng số tiền trên 20,5 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nên số lao động thất nghiệp cũng lớn nhất cả nước. Theo thống kê sơ bộ, hiện thành phố có khoảng 3 triệu lao động, bao gồm lao động làm việc tại 84.000 doanh nghiệp và lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lần này, với kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 23% so với toàn quốc.
Với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các chế độ, chính sách đảm bảo kịp thời, chính xác của cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương đã góp phần giúp người lao động sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời cũng giúp người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, sớm vượt qua đại dịch.