Với mục tiêu tiếp tục xây dựng BCi trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực định hướng hội nhập quốc tế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh xây dựng và thực hiện các chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn CHLB Đức để đào tạo ra các kỹ sư cao đẳng, công nhân kỹ thuật trung cấp phục vụ chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là một trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên triển khai chương trình đào tạo nghề Cắt gọt kim loại (CGKL) và nghề Điện tử công nghiệp (ĐTCN) theo chương trình chuyển giao công nghệ từ CHLB Đức, với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.
Ngày 24/4 vừa qua, Nhà trường đã tổ chức kỳ thi AP1 - Nghề Cắt gọt kim loại - CĐK12 Tiêu chuẩn CHLB Đức. Nhân dịp này, thầy giáo Nguyễn Đức Lưu – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường có những chia sẻ với Tạp chí Cơ khí Việt Nam về chủ đề “Tiếp tục xây dựng BCi trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.
Phóng viên: Được biết, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là một trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên triển khai chương trình đào tạo nghề CGKL và nghề ĐTCN theo chương trình chuyển giao công nghệ từ CHLB Đức. Xin thầy cho biết những khó khăn, thuận lợi của Nhà trường trong quá trình triển khai chương trình và kết quả thực hiện chương trình đến nay?
Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu:
Sau khi được Tổ chức hợp tác phát triển Đức hỗ trợ, tháng 3 năm 2021 Hội nghị chuyển giao chương trình đào tạo CGKL tiêu chuẩn Đức được diễn ra tại BCi. Để triển khai chương trình đào tạo chuyển giao hiệu quả, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, ngày 06/8/2021 trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai Hội đồng tư vấn nghề CGKL, Hội nghị đã thống nhất Thành lập Hội đồng cấp chiến lược và Hội đồng cấp triển khai; đồng thời thống nhất chính thức triển khai chương trình đào tạo ngành CGKL chuẩn Đức bắt đầu từ năm học 2021-2022.
Được sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức GIZ; Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Bắc Ninh; các doanh nghiệp đối tác; cùng sự quyết tâm đồng lòng của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, Nhà trường đã triển khai thành công đào tạo ngành CGKL tiêu chuẩn Đức. Tuy nhiên, do mới tiếp cận với chương trình mới, quá trình đào tạo có sự khác biệt với chương trình theo khung chương trình đào tạo của Việt Nam. Việc triển khai đào tạo ngành CGKL theo chương trình chuyển giao công nghệ từ CHLB Đức đòi hỏi khoa chuyên môn, giảng viên vừa phải dạy theo chương trình cũ (các lớp chuẩn Việt Nam), vừa phải nỗ lực nghiên cứu chương trình mới để đào tạo, mặt khác tìm các doanh nghiệp đáp ứng được đúng nội dung đào tạo song hành với doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải có doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo, nó khác hẳn với thực hành thực tập. Chúng tôi phải cử cán bộ chuyên môn đến từng doanh nghiệp để phân tích cho doanh nghiệp hiểu.
Đến nay sau 1,5 năm đào tạo ngành CGKL tiêu chuẩn Đức, các sinh viên vừa bước vào kỳ thi tốt nghiệp phần thứ nhất (AP1). Đây là dấu ấn khẳng định, thể hiện năng lực của người học và giáo viên trong quá trình thực hiện đào tạo. Kết quả cho thấy, hầu hết các sinh viên đều được đánh giá cao từ chuyên gia GIZ, chuyên gia đến từ các trường đối tác (Lilama 2, Hà Tĩnh).
Thầy Nguyễn Văn Hưng - Trưởng khoa Công nghệ Cơ khí trường BCi (đeo kính) và ông Nguyễn Sỹ Tùng – Phó TGĐ Công ty TNHH Symkos tham gia giám sát cuộc thi AP1 - Nghề CGKL - CĐK12 Tiêu chuẩn CHLB Đức.
Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về nội dung chương trình đào tạo nghề CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức?
Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu:
Chương trình đào tạo nghề CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức đã được triển khai và đào tạo tại BCi từ tháng 9 năm 2021. Nhà trường đã chủ trương rà soát, nghiên cứu và đưa vào vận hành song hành cùng với các chương trình đào tạo của nhà trường.
Đây là ngành học khá hấp dẫn đối với người học, bởi chương trình đào tạo khoa học, bài bản, sinh viên thu về được nhiều kiến thức, kỹ năng để ứng dụng trong thực tiễn đời sống sản xuất… Chương trình được tích hợp rất sâu trong mỗi Môđun (MĐ), ở đây người học chỉ phải học những kiến thức thực sự cần thiết cho nội dung thực hành có thể tích hợp nhiều môn học (MH), nhiều kiến thức tổng hợp trong mỗi MĐ, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu, rộng và chuyên môn tay nghề cao.
Khác với các chương trình đào tạo ở Việt Nam, Chương trình đào tạo ngành CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức chỉ đào tạo tập trung 12MĐ (chương trình Việt Nam khoảng 35 MH, MĐ) điều đó nói lên độ tích hợp sâu trong từng MĐ của Chương trình đào tạo ngành CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức.
Khối lượng kiến thức của 1 MĐ theo chương trình chuyển giao từ Đức rất đa dạng, phong phú (mỗi MĐ tương đương 320 giờ), có tính tích hợp cao, đòi hỏi quá trình giảng dạy được thực hiện trình tự theo từng kỹ năng cho đến khi hoàn thành 12 MĐ.
Phóng viên: Xin thầy cho biết mục đích, ý nghĩa kỳ thi AP1 - Nghề CGKL tiêu chuẩn CHLB Đức? Kết quả kỳ thi có đạt được như mục tiêu đề ra không, thưa thầy?
Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu:
Từ ngày 24-27/4/2023, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã tổ chức thi tốt nghiệp kết thúc phần 1 (AP1), Chương trình đào tạo nghề CGKL theo tiêu chuẩn quốc tế – CHLB Đức cho 33 sinh viên thuộc khóa 12 của nhà trường.
Đây là dịp để nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên theo học cùng nhìn nhận, đánh giá năng lực chuyên môn theo đúng các tiêu chí chuẩn của chương trình, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong gần 2 năm triển khai đào tạo nghề CGKL theo tiêu chuẩn Đức, 33 sinh viên của 2 lớp CGKL đã được các giảng viên của nhà trường có trình độ chuyên môn chuẩn về đào tạo chất lượng cao (theo quy chuẩn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cùng các chuyên gia CGKL đến từ tổ chức GIZ, các chuyên gia là kỹ sư đến từ các doanh nghiệp hỗ trợ chuyên môn, giám sát quá trình tổ chức đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho sinh viên. Đặc biệt hơn, sinh viên nghề CGKL theo tiêu chuẩn Đức được học song hành giữa nhà trường và doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.
Tại năm học đầu tiên, đã có tới 3 tháng sinh viên nghề CGKL được đến các doanh nghiệp để học tập, tiếp cận quy trình sản xuất và thực hành sản xuất ngay tại doanh nghiệp. Nếu học tại trường là công xưởng nhỏ thì đến với môi trường doanh nghiệp, sinh viên nghề CGKL được bắt nhịp với guồng máy sản xuất, nắm bắt được mọi quy trình của một khâu sản xuất từ thiết kế, lập trình đến gia công, chế tạo, sản xuất các sản phẩm từ khuôn mẫu, thiết bị cơ khí, các trạm tích hợp cơ điện tử…
Sinh viên Hồ Thế Hùng thực hiện bài thi phần thực hành nội dung Tiện.
Phóng viên: Sinh viên học nghề CGKL theo chương trình đào tạo này có những khác biệt như thế nào so với các ngành khác, thưa thầy?
Tiêu chí và hồ sơ đăng ký xét tuyển ở nghề CGKL theo chương trình này có yêu cầu về điểm thi THPT hay học bạ THPT đối với người học không ạ?
Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu:
Khác biệt hẳn so với các ngành, nghề khác, sinh viên học nghề theo chương trình này tại BCi được tiếp cận thực học, thực hành tại doanh nghiệp sớm hơn. Ngay từ năm thứ nhất, trải qua quá trình học tập và hoàn thành 2 MĐ, sinh viên đã được tới các doanh nghiệp thực học, thực hành kỹ năng nghề. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp sinh viên được phát triển kỹ năng nhanh và sớm có vị trí việc làm tại doanh nghiệp.
Sinh viên học nghề CGKL theo chương trình đào tạo tiêu chuẩn Đức được tuyển sinh theo Quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH, Quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ Trung cấp, trình độ Cao đẳng.
Tiêu chí và hồ sơ đăng ký xét tuyển ở nghề CGKL phù hợp với Quy định chung và không khó đối với người học cụ thể:
+ Có kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông đạt từ khá trở lên, phải tốt nghiệp THPT và nhà trường xét tuyển các Hồ sơ từ cao đến thấp, khi đủ chỉ tiêu thì dừng;
+ Có trình độ ngoại ngữ đầu vào tối thiểu đạt bậc 1/6 đối với ngành theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc tương đương;
+ Người học chương trình chất lượng cao là người nước ngoài phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông của Việt Nam, có năng lực tiếng Việt đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo do hiệu trưởng nhà trường quy định;
Hố sơ xét tuyển theo quy định của trường BCi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn thầy Hiệu trưởng!