Tín dụng chính sách - Kênh thoát nghèo hữu hiệu.
Trong những năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, NHCSXH đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Với phương thức hoạt động đặc thù, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, đến nay NHCSXH đã tập trung nguồn lực cho vay được gần 40,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 722.490 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến nay đạt 243.191 tỷ đồng với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn, như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; chương trình tín dụng hộ cận nghèo; chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm; chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với các doanh nghiệp để trả lương cho người lao động trong khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Tính đến ngày 19/11/2021, NHCSXH đã thực hiện giải ngân 41,8 tỷ đồng cho 245 doanh nghiệp để trả lương cho 11.276 người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 42; giải ngân được 847 tỷ đồng cho 1.603 doanh nghiệp để trả lương cho 235.551 người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, một số lượng lớn người lao động tại các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã đồng loạt quay trở về quê hương để tiếp tục sinh sống và tìm kế mưu sinh. Trước thực tế đó, NHCSXH đã bố trí vốn cho vay đối với các đối tượng này nhằm giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định.
Trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hệ thống NHCSXH từ Trung ương đến địa phương đã được hình thành với mô hình hoạt động hợp lý, có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó đã thực hiện rất tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn từ việc sử dụng vốn của người dân và sức mạnh đồng vốn vay.
Từ những chương trình tín dụng có tính chất hỗ trợ người dân không chỉ thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững như cho vay hộ cận nghèo (năm 2013), cho vay hộ mới thoát nghèo (năm 2015), đến các chính sách mang tính thời cuộc cấp thiết như các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL,… Nguồn vốn tín dụng chính sách trong gần 20 năm qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Có thể thấy, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp rất sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, đóng góp tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Là trụ cột của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, NHCSXH Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Như lời Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã khẳng định, với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hệ thống NHCSXH đã, đang và luôn sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách cũng như doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của hệ thống chính trị các cấp, vì vậy thời gian tới hệ thống chính trị các cấp tăng cường, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tập trung huy động nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn. Các địa phương cần có cơ chế để NHCSXH tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung giải quyết cho các đối tượng mới thoát nghèo và hộ có mức thu nhập trung bình vay phát triển sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng đối tượng hộ nghèo để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn, góp phần giúp người nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững...