Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng
Kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất
Không phải ngẫu nhiên trong các Hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gần đây, cái tên NHCSXH luôn được xướng lên với đong đầy ghi nhận, yêu mến từ người dân đến các Lãnh đạo Trung ương, địa phương. “NHCSXH là công cụ của Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách đối với các đối tượng người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận” - Khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017 tại NHCSXH càng hun đúc thêm ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tiến đến làm bệ đỡ cho chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với những kỳ vọng lớn hơn từ Đảng, Chính phủ...
Nhìn lại chặng đường 14 xây dựng và phát triển, NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013 về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây nhất là Quyết định số 28/2015 về cho vay hộ mới thoát nghèo... nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo. Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong sản xuất –kinh doanh, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm đầu thành lập là hơn 3 triệu hộ đến nay là 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.
Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng Sông Cửu Long, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
Hoạt động của NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Như đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhìn nhận: Đảng và Nhà nước không những quan tâm mà ngày càng nâng cao chuẩn nghèo lên, cho thấy mức sống của người dân nói chung, của đất nước, thậm chí các hộ nghèo ngày càng tăng lên. Tiêu chí hộ nghèo cũng từ đơn chiều tiến đến đa chiều là thách thức đối với giảm nghèo đòi hỏi Đảng, Chính phủ cùng hệ thống NHCSXH phải nỗ lực quyết tâm thì mới có thành tựu to lớn như thời gian qua. Đây cũng chính là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của NHCSXH và những hành động cũng như hiệu ứng đầu tiên đã có thể nhìn thấy trong bức tranh hoạt động của NHCSXH.
Huy động hệ thống chính trị vào cuộc
Là tỉnh vùng cao biên giới, kinh tế khó khăn, Hà Giang đặc biệt coi trọng nguồn vốn chính sách xã hội, coi đây là động lực quan trọng giúp người dân các dân tộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở về trước, ở một số cấp ủy, chính quyền huyện, xã chưa có sự quan tâm, vào cuộc đúng mức trong việc triển khai tín dụng chính sách, coi nhiệm vụ này là của cán bộ NHCSXH. Điều đó dẫn đến những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả triển khai tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Hạn chế nêu trên đến nay cơ bản được giải quyết khi Hà Giang thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
“Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40, việc triển khai tín dụng chính sách có sự đột phá tích cực. Chất lượng tín dụng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng giảm xuống, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên. Tổng dư nợ toàn tỉnh hết năm 2016 đạt trên 2.190 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng 12%. Nợ quá hạn 6,4 tỷ đồng, giảm 2,1 tỷ đồng so với đầu năm. Ý thức tiết kiệm của người nghèo được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở số thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tăng từ 36% năm 2014 lên 83% năm 2016. Qua đó giúp tỉnh thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...”, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang, Nguyễn Văn Sơn đánh giá.
Cùng với đó, ngay sau khi triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cấp Ủy, chính quyền các cấp về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc. Điểm nhấn là hỗ trợ nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH với tổng giá trị hỗ trợ trong gần 3 năm qua lên đến trên 16,6 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay 8,4 tỷ đồng, hỗ trợ lãi vay cho người dân là 7,4 tỷ đồng. Góp phần nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay đạt 26,2 tỷ đồng để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Nhìn rộng ra có thể thấy việc thực hiện Chỉ thị số số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với với tín dụng chính sách xã hội được coi là “cao trào” của sự đồng thuận trong công tác giảm nghèo với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong vùng đối với tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện.
Thực chứng sau gần 3 năm triển khai đã phát huy hiệu lực, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Cụ thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm tăng cường. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và chủ động chuyển ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay. Tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị đến nay là 2.891 tỷ đồng (tăng 74,3% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị riêng trong năm 2016, tăng 1.888 tỷ đồng (+35,8%) so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.783 tỷ đồng.
Đặc biệt, để nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động tại cơ sở, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiện toàn lại Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thông qua chủ trương đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện NHCSXH cấp huyện. Đến nay, đã có 11.099/11.159 Chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ 99,5%) tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Việc này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt trong chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn.
Đúng như lời nhận xét của ông Phương Bá Thực - Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên): “Tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, tôi nắm bắt các thông tin nhanh chóng, rõ ràng hơn từ việc cho vay ở từng chương trình đến kết quả sử dụng nguồn vốn cũng như chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương. Cũng vì trực tiếp tham gia nên nhiều vấn đề liên quan, thuộc thẩm quyền, tôi đều quyết đáp được ngay. Ngoài ra, vì là người đứng đầu ở cơ sở nên hơn ai hết, Chủ tịch xã là người hiểu rõ nhất những thuận lợi, khó khăn của người dân, biết đối tượng trên địa bàn cần gì, địa phương nên dồn lực cho vay ở chương trình nào để từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất với NHCSXH cũng như Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện sao cho sát với nhu cầu thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, với những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa tốt, Chủ tịch xã nhắc nhở để các hội, đoàn thể trực tiếp quản lý uốn nắn kịp thời”.
Điều này phần nào được thể hiện thông qua kết quả đánh giá của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên về chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh có 18 tổ xếp loại trung bình thì đến năm 2015 chỉ còn 8 tổ và năm 2016 còn 6 tổ. Cùng với đó số tổ đạt loại tốt cũng nâng từ 2.261 tổ (năm 2014) lên 2.949 tổ (năm 2015) và đạt 3.003/3.102 tổ năm 2016, chiếm 96,8% (giảm đáng kể số tổ đạt loại khá). Cũng do chất lượng mọi mặt được nâng cao nên chất lượng tín dụng của đơn vị luôn được đánh giá tốt, với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Để nguồn vốn ưu đãi tiếp tục tiếp sức giảm nghèo
Những kết quả trên là những điểm tựa để NHCSXH nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, cộng hưởng chung trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của từng người dân cho đến các cơ quan đầu não ở Trung ương. Những mô hình kinh tế mới, những xã, huyện nông thôn mới có thêm điểm tựa nhân rộng và phát triển hoà mình vào các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, người giàu - người nghèo mỗi ngày thêm gần lại, hướng tới mục tiêu cao cả của một đất nước xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đặt ra đối với công tác giảm nghèo bền vững là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1 đến 1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm. Đến cuối năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,5% so với cuối năm 2015.
Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.
Thông qua phong trào thi đua hướng đến Kỷ niệm 15 năm thành lập NHCSXH với chủ đề: “Cán bộ, viên chức, người lao động NHCSXH đoàn kết, thân thiện, kỷ cương, trách nhiệm, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017”, toàn hệ thống NHCSXH đang từng ngày tập trung sức mạnh, phát huy trí tuệ nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.