Từ nguồn vốn vay chính sách anh Nguyễn Ngọc Trìu, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Đối với thanh niên nông thôn, đặc biệt là những thanh niên nghèo việc tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp, hỗ trợ tạo dựng công ăn việc làm ổn định cuộc sống luôn được quan tâm và đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Vấn đề tạo việc làm cho thanh niên ở nông thôn bên cạnh việc liên quan đến đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động, kỹ năng nghề thì có được nguồn vốn là hết sức cần thiết. Đồng hành với thanh niên nghèo trên con đường lập thân lập nghiệp, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Trung ương Đoàn đã phối hợp thực hiện và được triển khai sâu rộng đến tận những vùng khó khăn trong việc giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thanh niên được tham gia vay vốn đầu tư, qua đó giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Anh Nguyễn Ngọc Trìu, 35 tuổi, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn là một trong nững thanh niên điển hình tại địa phương về phát triển kinh tế. Ngày mới lập nghiệp, anh từng trăn trở với bao câu hỏi: Biết làm gì để thay đổi cuộc sống? Làm gì để thoát nghèo, làm giàu? Ban đầu, với số vốn ít ỏi từ tích lũy những tháng ngày làm công nhân ở nhà máy chè Tân Phú (Phú Thọ) và được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện anh và vợ bắt tay vào trồng chè. Anh kể: “Năm 2009, được tiếp cận nguồn vốn 5 triệu đồng, không lãi anh và vợ mở rộng diện tích trồng chè. Năm 2010, anh tiếp tục được vay 15 triệu đồng qua chương trình hộ nghèo mua máy xay chè. Công việc cứ túc tắc, tích lũy dần dần. Bên cạnh việc chăm sóc đồi chè, sẵn có máy xay chè, vợ chồng anh đi thu gom chè trong làng về nhận xay và chế biến để bán ra thị trường. Và rồi trời cũng không phụ công, đến nay gia đình anh một tháng xay 6 - 7 tấn chè tươi, thu nhập gần 200 triệu đồng/ năm. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Trìu cho biết: “Khó khăn đầu tiên đối với thanh niên chúng tôi là nguồn vốn. Không ít bạn trẻ khi bắt tay vào phát triển kinh tế đều không có vốn nên rất dễ nản lòng và buông xuôi. Chỉ cần mình có quyết tâm, có sự nỗ lực thì trong xã hội có rất nhiều tổ chức, cá nhân có thể giúp đỡ đồng hành cùng, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho thanh niên đóng vai trò như lực đẩy để chúng tôi phát triển kinh tế”. Cùng với việc chọn hướng đi đúng đắn cho thanh niên phát triển kinh tế, quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác, Đoàn Thanh niên xã đã tạo ra nhiều cơ hội cho đoàn viên, thanh niên trong xã phát triển kinh tế, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên tại địa phương.
Cũng như Nguyễn Ngọc Trìu, chàng trai Hà Tiến Long ở Khu 1 xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba mong muốn lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2007, sau khi tham khảo và bàn bạc với bạn bè, người thân, anh Long đã quyết định mở xưởng cơ khí tổng hợp. Đầu ra sản phẩm ngày càng rộng nhưng anh rất khó mở rộng sản xuất vì thiếu vốn. Cuối năm 2012, anh Long được vay 100 triệu từ nguồn vốn vay cho thanh niên của NHCSXH huyện Thanh Ba để đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Hiện nay, mỗi tháng xưởng sản xuất cơ khí của anh Long cho lợi nhuận hơn chục triệu đồng. Theo anh Long, tín dụng chính sách rất cần cho những thanh niên mới lập nghiệp như anh để có nguồn vốn làm kinh tế, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ tại địa phương. Mô hình cơ khí tổng hợp của Hà Tiến Long còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Trước khi vay vốn, xưởng cơ khí này chỉ có 3 lao động, từ khi được giải ngân nguồn vốn mở rộng sản xuất đến nay, xưởng luôn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hà Văn Thuyn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ cho biết: “Hiện nay, Đoàn Thanh niên xã quản lý 5 Tổ tiết kiệm vay vốn với dư nợ hơn 5,6 tỷ đồng cho hàng trăm đoàn viên thanh niên vay vốn. Từ nguồn vốn vay đã có nhiều đoàn viên biết cách chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh”. “Với nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách mà các cấp Đoàn thanh niên trong huyện đang quản lý đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Nhờ có vốn vay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong lực lượng thanh niên, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. Hàng ngàn thanh niên là học sinh, sinh viên là con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có cơ hội học tập, được đào tạo nghề và có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định sau khi ra trường nhờ nguồn vốn ưu đãi của chương trình.
Ông Trương Việt Phương, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Đoàn thanh niên nhận quản lý nguồn vốn vay không chỉ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích mà còn làm rất tốt công tác thu nợ, thu lãi từ các đối tượng do thanh niên quản lý. Chính vì thế đã phát huy tốt nguồn vốn vay, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngân hàng CSXH Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, dành nguồn vốn hợp lý cho Đoàn Thanh niên thực hiện các dự án, quy mô cấp xã, phường theo phương thức ủy thác cho vay, giúp thanh niên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Khát khao làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay và khối óc của bản thân là điều mong mỏi của không ít thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Trang bị những kiến thức gì? Vẫn là điều còn khá mơ hồ với nhiều bạn trẻ. Vì thế, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp ra đời như một luồng gió mới khơi dậy đam mê khởi nghiệp trong thanh niên. Đồng hành trên chặng đường đó, đồng vốn tín dụng chính sách luôn sát cánh cùng thanh niên nghèo tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vốn vay còn ít chưa đáp ứng đủ để mở rộng. Mong muốn của nhiều thanh niên có thêm nguồn vốn trợ lực để tiếp tục mở rộng sản xuất có như vậy đầu tư vào sản xuất sẽ tập trung hơn hướng giúp nhiều thanh niên làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
LƯƠNG XUÂN