Vốn tín dụng chính sách giúp bà con phát triển chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định.
Phú Thọ: Giúp hộ nghèo “đổi đời”
Những năm qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai các chương trình TDCS, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống, giúp họ có cơ hội “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo. Thực tế cho thấy, có nhiều hộ gia đình được tiếp cận và vay vốn từ 2 đến 3 chương trình TDCS, nhờ vậy người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả… góp phần đưa kinh tế hộ gia đình phát triển khá tốt.
Để nguồn vốn TDCS hoạt động thực sự hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội... NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý TDCS đặc thù thông qua phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên với vai trò giám sát xã hội và làm nhiệm vụ ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ TDCS.
Hiện NHCSXH đã thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn trên 4.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 5,71%; số khách hàng còn dư nợ trên 115.000 người, bình quân dư nợ đạt 38,37 triệu đồng/khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép và thấp hơn bình quân chung toàn quốc, chiếm 0,12%/tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,003%/tổng dư nợ.
“Chìa khoá” thoát nghèo của tỉnh Hoà Bình
Nguồn vốn chính sách ở Hoà Bình đã và đang được chuyển tải an toàn về khắp địa bàn, tới tận các bản làng trong vùng sâu, vùng cao, dù gặp nhiều trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Đây được coi là “chìa khóa” thoát nghèo ở tỉnh miền núi này.
Để Hòa Bình có thể khai thác tiềm năng lợi thế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng cơ cấu, cơ chế quản lý phù hợp; chuyển mạnh nền sản xuất tự nhiên sang sản xuất hàng hóa, lồng ghép các dự án, nguồn lực. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư nguồn vốn TDCS giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, với 29.000 lượt hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 xuống còn 11,36% năm 2019. Dự kiến cuối năm 2021, hộ nghèo giảm còn 6,6%. Kết quả này ghi nhận có sự chung tay, hợp lực của nguồn vốn TDCS.
Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết thời gian qua, toàn đơn vị nỗ lực tham gia thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn chính sách về tận làng bản, xã phường, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận dễ dàng các dịch vụ của NHCSXH.
Hiện nay, chi nhánh đang triển khai 19 chương trình TDCS với tổng nguồn vốn trên 3.554 tỷ đồng. Đến 31/8/2021, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 3.541 tỷ đồng, tăng 222 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể thấy, nguồn vốn TDCS trở thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hoà Bình vượt qua khó khăn để đầu tư hiệu quả, từ đó mở hướng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Hà Giang: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều
Những năm qua, hoạt động TDCS xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác TDCS xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động TDCS xã hội đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại địa phương có đóng góp một phần không nhỏ từ các Chương trình TDCS xã hội do Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang thực hiện.
Đến tháng 9/2021, tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 3.579,6 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 3.569,6 tỷ đồng/85.579 khách hàng, tăng trên 3.478 tỷ đồng so với năm 2003, với 17 chương trình TDCS được triển khai. Doanh số cho vay 2003 - 2021 đạt trên 9.600 tỷ đồng với trên 483.000 lượt hộ được vay vốn.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi được giải ngân kịp thời đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho con em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề…
Điện Biên: Đến đúng đối tượng
Hoạt động TDCS xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động TDCS đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.
Với 23 chương trình cho vay, hiện toàn tỉnh Điện Biên đang có hơn 75.000 khách hàng đang thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH với tổng dư nợ hơn 3.400 tỷ đồng. Các nguồn vốn vay cơ bản đã đến đúng đối tượng giúp người dân thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Lai Châu: Hỗ trợ tạo việc làm
Hoạt động TDCS xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo. NHCSXH các huyện, thành phố đã thực hiện triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; các văn bản, chính sách được công khai đến 106/106 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Căn cứ nguồn vốn được giao hàng năm, Chi nhánh đã chủ động tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đến các huyện, UBND các huyện phân bổ nguồn vốn đến các xã, các xã phân bổ nguồn vốn đến các thôn bản, tổ dân phố theo quy định. Phương thức cho vay: Cho vay trực tiếp áp dụng đối với các dự án vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn do Tổng Liên đoàn lao động, Liên minh các Hợp tác xã. Cho vay ủy thác áp dụng đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn của UBND cấp tỉnh quản lý và 04 tổ chức Hội, đoàn thể đang nhận ủy thác với NHCSXH (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên).
Nửa đầu năm 2021, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh Lai Châu đạt 243.901 triệu đồng, trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (nguồn TW) là 59.699 triệu đồng; Nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua NHCSXH là 91.220 triệu đồng; Nguồn vốn NHCSXH huy động là 92.982 triệu đồng.
Lào Cai: Hướng đến người nghèo, khó khăn
Việc triển khai các chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực sự tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, bà con DTTS ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…
Nhìn vào các chương trình TDCS đang triển khai đều hướng đến người nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn, như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; chương trình tín dụng hộ cận nghèo; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; các chương trình TDCS xã hội dành riêng cho hộ đồng bào DTTS… Nguồn vốn vay của NHCSXH nói chung, nguồn vốn vay theo Nghị quyết 06 nói riêng được bảo đảm, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên, các hộ dân rất phấn khởi, an tâm sản xuất
Hoạt động TDCS đã đạt được kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với TDCS xã hội trên địa bàn thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường nguồn lực cho hoạt động TDCS xã hội, số vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để ủy thác cho vay tăng dần qua các năm, đến ngày 30/6/2021 đạt 199 tỷ đồng. Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang triển khai cho vay 16 chương trình TDCS, tổng dư nợ đạt 3.263 tỷ đồng với 83.780 hộ gia đình vay vốn đang còn dư nợ. Nguồn vốn TDCS đã góp phần hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trung bình 5,17%/năm.
Sơn La: Đáp ứng nhu cầu về tín dụng
Những năm qua, hoạt độngTDCS xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 là 31,91% giảm xuống còn 18,38% năm 2020.
Từ nguồn vốn cho vay hằng năm, đặc biệt trong 3 năm gần đây, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã cho vay gần 103 nghìn lượt khách hàng, trong đó: Chương trình cho vay hộ nghèo gần 36 nghìn lượt khách hàng; hộ cận nghèo trên 11,36 nghìn lượt khách hàng; hộ mới thoát nghèo trên 4,9 nghìn lượt khách hàng; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 15,45 nghìn lượt khách hàng; chương trình nước sạch VSMTNT 30,27 nghìn lượt khách hàng; 3.323 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng; số lao động được tạo việc làm 5.647 lao động; 47.121 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng…
Thông qua phương thức cho vay trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, NHCSXH tỉnh Sơn La đã giúp gần 16 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện chủ động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc.
NHCSXH tỉnh Sơn La đã và đang đồng hành, tiếp sức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư vào SXKD, mở hướng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chỉ Chỉ thị 40-CT/TW, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19, khẩn trương chuyển tải đầy đủ nguồn vốn về các vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội.
Yên Bái: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân
Hoạt động ở một tỉnh miền núi khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và Nghị quyết số 131 về giảm nghèo bền vững của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Hàng năm, đơn vị đã lập kế hoạch chi tiết việc phân bổ nguồn vốn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và nhu cầu sản xuất, kinh doanh của từng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước, vận động người nghèo và các đối tượng chính sách khơi dậy ý thức tự lực, tự cường vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Yên Bái tập trung huy động mọi nguồn vốn từ Trung ương cấp; tranh thủ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, tiền gửi từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hộ nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nguồn vốn TDCS do NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp quản lý trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có từ 5.000 - 6.000 hộ vay vốn thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,5 - 5%/năm, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.