Quang cảnh Tọa đàm
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý; Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TW Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Quang Huy; Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam Hoàng Tùng Lâm và Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Thu Hà.
Tín dụng chính sách ủy thác qua hội, đoàn thể - Nối dài kênh dẫn vốn
Trong chặng đường dài phát triển lớn mạnh của NHCSXH 15 năm qua, các thế hệ cán bộ NHCSXH đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác chuyên môn của mình, từ đó đáp ứng được niềm tin của Đảng, nhân dân gửi gắm.
Đồng hành với NHCSXH những năm qua là các hội, đoàn thể uy tín, luôn gắn bó mật thiết với cơ sở bằng trách nhiệm chính trị rất cao, tràn đầy nhiệt huyết. Các tổ chức đoàn thể là cầu nối nguồn vốn chính sách đến với người nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, có thể bảo toàn và góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, làm giàu.
BTV: Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, từ đâu và tại sao NHCSXH lại kết hợp với các hội, đoàn thể để ủy thác dòng vốn vay chính sách xã hội? Ông có thể cho biết những nét chung nhất về bức tranh nhận ủy thác của các hội, đoàn thể hiện nay?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Đối với NHCSXH, việc cần thiết phải kết hợp với các hội, đoàn thể để ủy thác dòng vốn vay chính sách xã hội là vì:
Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu, Chính phủ thành lập ra NHCSXH để thực hiện chủ trương của Chính phủ. Chính phủ trực tiếp là chủ thể đứng ra tập hợp các nguồn lực để tạo nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay để cải thiện cuộc sống, giảm nghèo, tạo việc làm. Và việc này được giao cho NHCSXH thực hiện theo phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”. Vốn tín dụng chính sách qua NHCSXH được yêu cầu phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ.
Thứ hai, NHCSXH phải sử dụng vốn có hiệu quả, biết quay vòng, bảo toàn vốn. Còn Chính phủ thực hiện việc giám sát. Đối tượng là người dân nên phải thực hiện dân chủ, công khai, xã hội hóa và đảm bảo nguồn vốn phát triển bền vững, bảo toàn. Khi nghiên cứu lại đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách, chúng tôi thấy gần như 70% - 80% là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh. Do đó, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, nếu các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào trong truyền tải tín dụng chính sách này sẽ đạt được các yêu cầu: Vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. Và đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc.
Thực tế, 15 năm hoạt động đã chứng minh quyết sách trên là hoàn toàn đúng. Hiện nay, NHCSXH có tới 98,5% khách hàng vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Và qua 4 tổ chức này, chúng tôi thành lập các tổ, nhóm và xây dựng mạng lưới ở dưới. Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng tuyệt đối đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao.
Qua nhiều năm hoạt động phục vụ người nghèo, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ thu hồi vốn của NHCSXH đạt trên 99,4%, còn 0,06% chủ yếu là do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn và các rủi ro khác.
Qua 15 năm hoạt động, một vấn đề nữa đã khẳng định thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội này, những yêu cầu đặt ra của Chính phủ giao cho hoạt động ngân hàng là bảo toàn vốn, dân chủ hóa cơ sở mới thực hiện được.
Hiện nay, hoạt động NHCSXH đối với tổ chức hội, đoàn thể ngày càng hoàn thiện. Cách đây 3 năm, chúng tôi đã hoàn thiện lại cách làm, các nội dung và chia làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất là đoàn thể với vai trò tuyên truyền, phổ biến, vận động các chính sách. Nhóm hai là các đoàn thể thực hiện giám sát các hoạt động ở dưới, bình xét đối tượng vay vốn, giúp thủ tục vay vốn. Nhóm ba là hai bên cùng làm. Những thủ tục chúng tôi làm được khi tham gia giám sát hội, đoàn thể là giải ngân, thu nợ, cho vay, xử lý vốn…
BTV: Thưa Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng, những nét chấm phá về vai trò của hội, đoàn thể đã bước đầu nêu ra, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Có những hạn chế gì không khi hội, đoàn thể giúp nối dài kênh dẫn vốn?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng: Những kết quả đạt được của hoạt động tín dụng chính sách trong 15 năm qua đã khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Đối với hoạt động tín dụng chính sách và thông qua hoạt động của NHCSXH cùng với sự huy động của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vào cuộc vừa qua là sự chỉ đạo đúng hướng, rất chính xác, kịp thời, sát với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2002, sau 7 năm thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Chính phủ ban hành Nghị định số 78, trong đó quy định việc cho vay của NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho người vay. Năm 2014, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội cho thấy, chính sách nhất quán của Đảng và sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đối với chính sách tín dụng chính sách.
Xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nông - lâm - ngư nghiệp, với trên 80% dân số là nông thôn, trên dưới 70% lực lượng lao động trong nông nghiệp, địa bàn nông thôn chiếm trên 90% lãnh thổ. Năm 2004, số hộ nghèo trên 20%, chưa kể là số lượng cận nghèo… Với 31,4 triệu lượt hộ nghèo được vay, trên 4,5 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo… Tất cả đều là hội viên, đoàn viên của các hội, đều sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, khó khăn. NHCSXH đã gắn chặt với các đối tượng đông đảo đó. Hộ nông dân, hộ khó khăn sống ở nông thôn được các hội, đoàn thể đại diện chăm lo quyền lợi của họ. Và 4 tổ chức đoàn thể đó đã gắn chặt đồng hành với NHCSXH trong suốt thời gian qua. Khi thực hiện ủy thác, các hội, đoàn thể phát huy tích cực trách nhiệm, vai trò của mình, coi đây là mục tiêu, mục đích của mình. Chúng tôi đã ký kết với NHCSXH về 6 nội dung chính gồm 3 nhóm công việc: tuyên truyền, giám sát, củng cố, thành lập các tổ, đôn đốc nợ… Điều này đã mang lại hiệu quả. Riêng Hội Nông dân, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn… khoảng hơn 300 nghìn người. Một năm thực hiện vài chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ, hội vay. Đến nay chỉ còn 1,7% tổ yếu. Ủy thác qua Hội Nông dân nợ quá hạn từ 4,11% năm 2004 đến tháng 8.2017 chỉ còn 0,39%. Đây thực sự là kết quả tốt.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu sản xuất nông, lâm ngư nghiệp. Họ vừa là đoàn viên, hội viên, khách hàng vay, vừa là đối tượng tạo ra 98% dư nợ của ngân hàng. Vì vậy NHCSXH có vai trò rất lớn trong việc cải thiện cuộc sống người nghèo.
BTV: Thưa Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Thu Hà, nhiều người cho rằng, phụ nữ luôn là người nắm giữ và sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Dưới góc nhìn Hội Phụ nữ, tổ chức hội ở cơ sở có vai trò tích cực, chủ động trong hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách như thế nào?
Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trần Thị Thu Hà: Thực sự, Hội LHPN Việt Nam đã có rất nhiều vai trò tích cực trong việc trở thành cầu nối, đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo. Hội LHPN Việt Nam cũng xác định đây cũng là yếu tố phát huy chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có Hội Phụ nữ đã bảo đảm được sự tập hợp đoàn kết giữa các đoàn thể, lực lượng quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.
Nghị định 78 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho Hội LHPN Việt Nam với vai trò là đại diện cho các tầng lớp phụ nữ để đoàn kết, vận động tổ chức và hướng dẫn phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giao cho. Trong đó, có các chính sách tín dụng ưu đãi giành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội đã phát huy được rất nhiều chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Phụ nữ, như chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên là phụ nữ; thực hiện các chức năng về giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các tín dụng chính sách như phương thức ủy thác cho vay thông qua tổ chức xã hội. Qua Hội, NHCSXH đã phát huy được các điểm mạnh là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn theo quy định. Ngược lại, tổ chức hội có được thế mạnh bằng việc hình thành mạng lưới rộng lớn khắp 4 cấp ở tất cả các tỉnh, thành, góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách, giúp hướng dẫn, giám sát việc sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Ở đây, cấp cơ sở hội là cấp sát với hội viên và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng nhất, cũng như là cấp có chức năng giám sát tất cả các tổ chức vay vốn. Vì vậy, việc kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hội, bảo đảm họ quán triệt nhận thức nhiệm vụ chính trị đối với hoạt động ủy thác luôn được chúng tôi thực hiện. Qua đó, khi nhận thức được nâng cao, chất lượng dư nợ tín dụng chính sách cũng được nâng lên.
Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động để hỗ trợ hội viên, thành viên vay vốn, sử dụng vốn được hiệu quả thông qua việc khuyến khích động viên các hội viên phụ nữ, đặc biệt là những người trên 35 tuổi tham gia vào các khóa tập huấn về quản lý, giáo dục tài chính trong gia đình cũng như các khóa đào tạo học nghề cho phụ nữ. Chúng tôi cũng thành lập các hội mô hình kinh tế tập thể như Hợp tác xã hay Tổ hợp tác…
Trong nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ lần thứ 10, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện Đề án 295 hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm. Rất nhiều chị em đã tham gia vay từ nguồn vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, đồng thời tham mưu với cấp ủy ở địa phương để bình chọn, bình xét danh sách các đối tượng đủ điều kiện vay vốn với ngân hàng, góp phần thực hiện chính sách chương trình nông thôn mới ở các tỉnh, địa phương.
Đặc biệt, 15 năm qua, Hội cũng đã đồng hành với cán bộ ngân hàng trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm.
Nếu tại nhiệm kỳ trước, hội viên phụ nữ chỉ xấp xỉ trên 10 triệu người, thì đến nay số lượng đã lên trên 17 triệu hội viên. Việc chị em phụ nữ ngày càng tham gia đông hơn sẽ làm phong phú hơn nội dung sinh hoạt của tổ chức hội. Nhờ đó, công tác vận động phụ nữ đang có rất nhiều khởi sắc trong nhiệm kỳ này.
BTV: Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, là người tham gia tích cực trong công tác giảm nghèo, đại diện cơ quan giám sát và xây dựng chính sách về lĩnh vực này, Phó Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách hiện nay, đặc biệt là nhìn nhận vai trò của các hội, đoàn thể như kênh nối dài dẫn vốn?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Nhìn lại lịch sử, sự hình thành vốn vay của NHCSXH bắt đầu từ năm 1995 khi Bộ luật Lao động được ban hành vào năm 1994 và có hiệu lực thi hành từ năm 1995, trong đó, Chương 2 nói về Chương trình việc làm quốc gia. Cá nhân tôi có 8 năm trực tiếp chỉ đạo Chương trình vốn vay 120; 4 năm về Trung ương phụ trách thanh tra về lĩnh vực này và từ năm 2007 đến nay tham gia hoạch định chính sách về Chương trình vốn vay giảm nghèo.
Khi triển khai Chương trình vốn vay quốc gia giải quyết việc làm, nhất là ở địa phương, chúng tôi đã hình dung ra các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc cho vay vốn có hiệu quả nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn và Hội CCB. Chúng tôi cho vay bằng hình thức phân bổ nguồn vốn cho các đoàn thể. Tiếp đó, các đoàn thể lựa chọn các hộ tiêu biểu, tích cực và những người có kinh nghiệm trong sản xuất được vay vốn theo Chương trình quốc gia, từ đó tạo việc làm cho hội viên của mình. Đây chính là sự kết nối và phát triển bền vững cả về mặt xã hội, chính trị lẫn tổ chức hội.
Tại sao chúng ta phải chuyển mô hình này vào năm 2002? Vì theo Chương trình quốc gia về việc làm, chúng ta giao vốn qua Kho bạc Nhà nước và người ta nhìn vốn vay này như là ngân sách Nhà nước nên hiệu quả không cao. Do đó, chúng ta chuyển sang mô hình NHCSXH cho vay vốn để giảm nghèo bền vững.
Chủ đề tọa đàm của chúng ta hôm nay bàn về vai trò cầu nối của các hội, đoàn thể. Tôi cho rằng, khái niệm “cầu nối” là đúng, nhưng chưa đủ. Không chỉ là cầu nối, chính các hội là dây dẫn chuyền từ vốn của NHCSXH đến với các hội viên, thành viên của mình. Đây là địa chỉ tin cậy giúp các hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Các tổ chức này định hướng hội viên vay vốn biết cách quản lý đồng vốn cũng như tìm ra cách thức làm ăn hiệu quả. Nói tóm lại, họ đã giúp giải quyết 3 vấn đề: vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả.
Hiện nay, nợ quá hạn của NHCSXH khi cho người nghèo vay rất thấp so với các Ngân hàng thương mại. Đây là điểm sáng cho vay vốn để giải quyết việc làm. Có thể nói, NHCSXH là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, nếu hôm nay, chúng ta tiếp tục đi theo con đường cũ 15 năm qua, hiệu quả vẫn có nhưng sẽ chậm hơn, không bền vững. Vì vậy, chúng ta cần phải nghĩ phương sách, cách thức quản lý, sử dụng mới tốt hơn.
BTV: Thưa Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam Hoàng Tùng Lâm, tại địa phương phản ánh hiệu quả của tín dụng chính sách, chúng tôi ấn tượng sâu sắc vai trò tích cực, đi đầu, lôi cuốn của Hội CCB cùng cơ sở giải quyết vấn đề cách thức vay vốn. Ở tầm bao quát chung, Hội CCB đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách hiện nay thông qua hội?
Phó Trưởng Ban Kinh tế Hoàng Tùng Lâm: Ở góc độ tham gia, thực hiện chương trình ủy thác của NHCSXH, chúng tôi thấy mình còn khiêm tốn vì chúng tôi là lực lượng vào sau, hội viên khoảng gần 3 triệu. Tuy nhiên, Hội CCB lại rất có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong hệ thống chính trị - xã hội, bởi các hội viên là những người có bản lĩnh chính trị, kinh qua chiến đấu, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, có ý chí, tinh thần trách nhiệm, có bản chất truyền thống của bộ đội cụ Hồ. Chính vì thế, khi tham gia tổ chức Nhà nước cũng như ngân hàng ủy thác, hội đã làm rất tốt và có uy tín, thực hiện nghiêm túc các cam kết, các văn bản thỏa thuận với ngân hàng, được cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như nhân dân đánh giá cao.
Những năm trước khi thực hiện ủy thác theo tổ, theo hội, Hội CCB luôn là lực lượng đứng đầu. Sau này, việc quản lý theo địa bàn phức tạp hơn, Hội viên ít hơn nên dần dần chất lượng bị giảm một chút nhưng vẫn đạt được các yêu cầu cơ bản và tốt nhất của hoạt động tín dụng chính sách.
Đứng ở góc độ bao quát toàn quốc, hoạt động ủy thác của ngân hàng cũng như vai trò tín dụng ngân hàng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội cả Đảng, Nhà nước giao nổi lên rất rõ mấy việc sau:
Thứ nhất, tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, NHCSXH đóng góp 6 tiêu chí cho vấn đề hộ nghèo tăng thu nhập, hỗ trợ làm nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xã hội. Chúng tôi xác định, nguồn lực từ NHCSXH là chủ yếu, quyết định. Hiện nay, dư nợ của chúng tôi là gần 26.000 tỷ đồng. Chính vì thế, chỉ tính riêng 5 năm gần đây, chúng tôi đã giảm được 114 nghìn hộ nghèo (2013 - 2017), xây dựng được 34.400 nhà mới, xóa nhà dột nát cho hội viên.
Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn tín dụng này góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hội trong sạch, vững mạnh. Nguyên nhân là khi tổ chức thực hiện, chúng tôi phải tổ chức các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ đấy chính là cộng đồng dân cư, bao gồm cả hội viên, cả dân cư trong khu vực trở thành một nhóm thống nhất cùng hoạt động, chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự quản lý của tổ chức hội gắn vào từng thôn bản. Hội viên của mỗi tổ rất đông, thấp nhất là 35 tổ viên, cao có thể là 55 - 60 tổ viên cùng bàn cách làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả, quản lý vốn, cách tổ chức SXKD. Chính hoạt động tổ này tạo được keo gắn kết giữa hội viên với hội, đoàn kết, hỗ trợ chia sẻ tình đồng chí đồng đội, tình làng nghĩa xóm và cộng đồng dân cư.
Trong quá trình làm, chúng tôi luôn luôn phối hợp rất tốt với các hội, đoàn thể, bởi trong các tổ luôn có các thành viên của các hội khác. Hai nữa là phối hợp thật chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền sơ sở từ tổ dân phố, thôn, đến chính quyền các cấp. Đặc biệt vai trò nòng cốt của NHCSXH là người hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo quản lý, nghiệp vụ chuyên sâu.
Thứ hai là hướng dẫn chỉ đạo cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, kể cả việc thu hồi vốn và xử lý vướng mắc trong quá trình thu hồi vốn đều được ngân hàng hướng dẫn và các tổ chức đoàn thể luôn đồng hành cùng ngân hàng.
Để làm tốt, chúng tôi có một cách đơn giản và tuyên truyền anh em phải làm đó là “Phải làm 3 đúng”: cho vay đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng cam kết với ngân hàng. Cho vay đúng đối tượng nghĩa là, đối tượng phải nằm trong các văn bản của Chính phủ quy định, có năng lực, phương hướng sử dụng vốn hiệu quả. Vốn không phải là mênh mông nên phải có ưu tiên đúng.
Hai là sử dụng đúng mục đính, làm sao lồng ghép được việc sử dụng vốn của NHCSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của địa phương. Vay làm gì, khoản nào ra khoản đấy. Quản lý chặt chẽ ngay từ đầu việc sử dụng vốn. Sau 30 ngày, quản lý kiểm tra xem sử dụng đúng chưa để báo cáo kịp thời ngân hàng, chính quyền để xử lý, điều chỉnh ngay.
Nếu làm tốt việc cho vay đúng đối tượng và sử dụng khai thác, huy động nguồn vốn đúng mục đích, đương nhiên cái đúng thứ ba sẽ đến là trả lãi, gốc đúng quy định và cam kết với ngân hàng. Trừ trường hợp là do lý do khách quan: thiên tai bão lụt, hạn hán… hoặc chẳng may ốm đau bệnh tật chết, không có khả năng trả nợ, lúc ấy mới tìm cách xử lý.
Chính vì làm được ba cái đúng này mà chất lượng hiệu quả chính sách xã hội của Hội CCB trong 15 năm qua thường xuyên được nâng lên. Từ lúc đầu năm 2003, chúng tôi nợ quá hạn 1,68% nhưng đến thời điểm này còn có 0,49%. Dư nợ không ngừng tăng lên, mỗi năm bình quân tăng 20 - 50%. Có thể nói, mô hình đặc thù trên chỉ có Việt Nam mới làm được vì Việt Nam có 4 tổ chức chính trị - xã hội luôn công khai, minh bạch. Chúng tôi thường nhắc mọi người rằng, ưu đãi lãi suất chỉ là một. Những ưu đãi khác mới đáng quan tâm: Thứ nhất là được tiếp cận vốn một các dễ dàng nhất, công khai, minh bạch. Thứ hai là thế chấp. Thứ ba là được hướng dẫn chỉ bảo vốn hiệu quả, nếu chẳng may có trục trặc trong quá trình sử dụng vốn lại được xem xét miễn giảm, khoanh nợ, gia hạn nợ, cao hơn nữa là xóa nợ. Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà lại hiệu quả cao, NHCSXH thực sự là ngân hàng hết sức đặc thù mà chỉ chúng ta thực hiện được.
Chúng tôi rất tự hào trong 15 năm qua đã đồng hành và hoàn thành tốt một số nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho, trong đó công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách hiện nay được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị của Hội CCB.
BTV: Thưa Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Quang Huy, tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo của tỉnh, TW Đoàn có thể cho biết tín dụng chính sách đã có hiệu ứng trực tiếp tới cử tri là những đoàn viên thanh niên như thế nào? Và cách làm của Đoàn Thanh niên các cấp trong công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách hiện nay cũng như hiệu quả của công tác này như thế nào?
Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Dương Quang Huy: Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp đỡ mà còn còn nâng cao đời sống tinh thần của đoàn viên thanh niên thời gian qua. 15 năm qua, chúng ta đã tạo được lớp thanh niên tâm trong, trí vững. Đặc biệt, tinh thần lập thân, lập nghiệp vượt qua khó khăn trong thanh niên được đẩy mạnh trong thời gian qua. Khi thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội tốt, họ sẽ có tác động rất lớn đến tổ chức Đoàn. Mỗi năm, chúng tôi đều đưa ra chỉ tiêu cho mỗi tỉnh đoàn, thành đoàn, quận đoàn, huyện đoàn để giúp đỡ bà con vay vốn.
Cơ hội mới, thách thức mới cho giảm nghèo bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn tín dụng cũng đứng trước nhiều thách thức. Có thể thấy, khó khăn hiện nay của chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các hội, đoàn thể là năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa cao, một số xã chưa kết hợp với hội, đoàn thể thực hiện kiểm tra sau khi cho vay dẫn đến tình trạng lãi tồn đọng và nợ quá hạn tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tạo nguồn vốn quay vòng để tiếp tục cho vay đối tượng chính sách khó khăn có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để sao giải quyết căn cơ, vững vàng, giảm thiểu tỷ lệ tái nghèo…
Hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách đối với hội, đoàn thể là nhiệm vụ, là cơ sở pháp lý khẳng định chức năng của cán bộ hội, đoàn thể. Việc quản lý đối tượng vay vốn cũng dễ dàng hơn, bởi cán bộ hội, đoàn thể nắm rõ tên tuổi từng hội viên, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn… giám sát tình hình sử dụng vốn thông qua sinh hoạt hội, đoàn thể hàng tháng, hoặc qua việc thăm hỏi, động viên nhau. Tuy nhiên, hoạt động của các hội, đoàn thể còn không ít khó khăn, thách thức.
BTV: Thưa Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Thu Hà, thách thức trong thoát nghèo không chỉ có đồng vốn trong tay mà là sử dụng đồng vốn như thế nào? Không chỉ mang “dắt lên mái tranh” như trước kia mà là tìm đến cách làm mới, sản phẩm mới. Đây thực sự là vấn đề khó khăn khi có đồng vốn. Ý kiến của Hội Phụ nữ về vấn đề này như thế nào?
Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trần Thị Thu Hà: Đúng là vấn đề rất là khó khăn khi mà có đồng vốn lại “dắt lên mái tranh”, mấy chục năm trước việc sử dụng đồng vốn của chị em phụ nữ có tình trạng này. Tuy nhiên, Hội LHPN Việt Nam với vai trò hỗ trợ chị em phát triển kinh tế cũng đã sớm nhận ra khó khăn đó. Chúng tôi xác định rằng, vốn đi cùng kỹ năng, kiến thức, có sức lao động; vốn phải đến với người thực sự mong muốn phát triển kinh tế; vốn đến nơi nào làm ra được các mô hình, sử dụng đúng mục đích.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ luôn dành nguồn cho tăng trưởng vốn tín dụng chính sách hàng năm. Do đó, chúng tôi luôn thấy rõ trách nhiệm của tổ chức hội đối với các thành viên của mình trong việc hỗ trợ, tìm ra các phương cách để các chị em phụ nữ phát triển kinh tế, kể cả các hội viên thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Để làm được điều đó, chúng tôi chỉ đạo các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, như: đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đào tạo nghề phải xây dựng các mô hình tập hợp chị em đến với nhau, cùng tác động, giúp đỡ lẫn nhau, trong tổ nhóm đó có cả các chị em thuộc đối tượng giàu, trung bình và nghèo. Chúng tôi giúp các chị em khởi sự doanh nghiệp, phát triển kinh tế, đến là để học hỏi từng mô hình, cách làm, khơi gợi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ chị em phụ nữ.
Kết hợp các khoản vốn vay với kỹ năng được đào tạo, chị em phụ nữ đạt được kết quả tốt trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách. Tỷ lệ nợ quá hạn 6 tháng đầu năm thông qua Hội LHPN Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp, 0,33%. Đây là 2 trong 5 điểm hoạt động tốt nhất của Hội LHPN Việt Nam trong hoạt động ủy thác tín dụng.
BTV: Thưa Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng, từ góc nhìn của Hội Nông dân, việc ủy thác tín dụng chính sách thì người nông dân đặc biệt là hộ nghèo được hưởng lợi gì và gặp khó khăn, thách thức gì khi sử dụng đồng vốn vay ưu đãi trợ giúp?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng: Về vai trò phối kết hợp giữa NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách tín dụng này, đúng như Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nói, cầu nối chỉ là một điểm, còn vai trò khác rất quan trọng. Ví dụ, Hội Nông dân không chỉ thực hiện nguồn vốn tín dụng phối hợp với NHCSXH mà còn thực hiện một số nguồn nữa. Chúng tôi cũng ký hợp tác với một số Ngân hàng thương mại Agribnak, Vietcombank, Sacombank… Tổng dư nợ cả nước qua Hội Nông dân là trên dưới 50.000 tỷ.
Thứ hai, Hội Nông dân có Quỹ Hỗ trợ nông dân được Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với kỳ vọng Hội Nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, với ý nghĩa sử dụng Quỹ này là công cụ, phương tiện hoạt động chứ không phải là tín dụng nên nó không lợi nhuận. Chúng tôi thực hiện cho vay theo phương thức cho vay theo mô hình đối tượng nông dân phục vụ SXKD sau đó làm cơ sở tuyên truyền nhân rộng. Chất lượng tín dụng, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,17%.
Trở lại câu hỏi trên, về khó khăn thách thức, như đã chia sẻ, hộ cận nghèo vay vốn chủ yếu là vùng nông thôn khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp. Đối tượng này phụ thuộc nhiều vào thời tiết thiên tai. Trong khi đó, biến đổi khí hậu rất phức tạp khốc liệt, không còn thuận lợi, ngoài ra còn dịch bệnh… Sản xuất các hộ này lại lạc hậu, manh mún, yếu thế. Đất nước thì đang hội nhập sâu mạnh vào kinh tế khu vực và thế giới, có nghĩa là có cạnh tranh về sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm nên những hộ này cạnh tranh rất khó.
Hội nhập thì đối tượng ảnh hưởng nhất là sản xuất nông nghiệp, lực lượng bị ảnh hưởng là nông dân, đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, yếu thế nhất là người nông dân nghèo. Những cuộc khủng hoảng về giá nông sản, được mùa mất giá… Hơn nữa, đối tượng này còn yếu thế nữa là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm… tác động đến việc sử dụng đồng vốn này.
BTV: Thưa Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Dương Quang Huy, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Dương Quang Huy: Với Đoàn Thanh niên cũng có nhiều khó khăn trong việc quản lý sử dụng, cũng như giúp đỡ vay vốn cho bà con nông dân của đoàn viên thanh niên.
Thách thức thứ nhất, đối với Đoàn Thanh niên do đối tượng quản lý đoàn viên và cán bộ đoàn trẻ, thời gian công tác không kéo dài nên công tác quản lý cũng ảnh hưởng đến việc quản lý chung nguồn vốn.
Đối với đoàn viên thanh niên, bà con nông dân vay vốn khi họ đã nghèo thì khả năng tiếp cận khoa học công nghệ rất hạn chế. Thực tế tại một số địa phương, vùng miền khi xây dựng nông thôn mới, việc quy hoạch, phát triển sản xuất không đồng đều, có một số địa phương không quan tâm tập trung quy hoạch phát triển sản xuất mà tập trung nhiều đến quy hoạch phát triển xây dựng, do vậy, bà con nông dân có khả năng bám ruộng đồng, khu vực chăn nuôi hoặc SXKD cũng rất khó khăn. Đây chính là hạn chế.
Điểm mấu chốt mà chúng tôi cũng đang khắc phục đó là làm sao để bà con nông dân và đoàn viên thanh niên tiếp cận KHKT. Vừa qua, cũng có một số tỉnh theo sự chỉ đạo của Trung ương, ngoài việc hỗ trợ vay vốn, đã cử các sinh viên có chuyên ngành kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hỗ trợ cho từng đối tượng vay vốn, đến từng hộ bà con về việc chăn nuôi từng loại cây, con. Chúng tôi đang áp dụng việc làm việc trực tiếp, hỗ trợ trực tiếp.
Thách thức cuối cùng chúng tôi đang đặt ra, đó chính là đô thị hóa các vùng nông thôn. Do vậy, việc giảm diện tích canh tác cũng như việc ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi… đang đặt ra những thách thức mới khiến việc tham gia sản xuất trực tiếp của họ cũng rất khó khăn. Đây cũng là thách thức đặt ra cho Đoàn Thanh niên trong những năm tới.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Hiện nay, có trên 3 triệu HSSV ở tuổi thanh niên vay vốn, trong số đó, có nhiều người thành đạt, cống hiến nhưng cũng có người chưa có gì. Vấn đề này đặt ra, thứ nhất, cùng nhau xóa bỏ tư tưởng, học xong cứ xin việc, mà mạnh dạn khởi nghiệp, thanh niên sẽ đi đầu. Từ vấn đề khởi nghiệp, TW Đoàn và NHCSXH đã bàn và việc này cần phải tiếp tục thảo luận thêm, khơi tăng thêm nhưng riêng về vai trò của TW Đoàn, NHCSXH phải truyền, phải khơi dậy cho thanh niên ý thức khởi nghiệp, để vừa cống hiến để vừa tạo việc làm cho người khác. Và việc khởi nghiệp như thế thì đặt ra vấn đề vốn khởi nghiệp. Mà vốn khởi nghiệp chính là quỹ đầu tư mạo hiểm. Đó cũng là thách thức cho vốn của Đoàn thanh niên nói riêng và chương trình thanh niên nói chung.
Vai trò sáng tạo của các hội, đoàn thể trong công tác tín dụng chính sách
BTV: Thưa Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác tín dụng chính sách? Cụ thể NHCSXH đưa ra những giải pháp gì thúc đẩy chất lượng, hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Như tôi vừa chia sẻ, trên cơ sở những việc Chính phủ đã ban hành, hội, đoàn thể đã làm trách nhiệm nhất, đều nhất, khó khăn địa phương được xử lý hết. Tuy nhiên, hội, đoàn thể phải làm vai trò phản biện chính sách. Vấn đề này tôi cho rằng, thời gian vừa rồi chúng ta làm chưa được nhiều. Thời gian tới, chúng ta phải làm mạnh hơn, tốt hơn. Bởi hội, đoàn thể khách quan, từ cấp cơ sở mà ra nên chính xác hơn, từ đó có những phản biện chính xác mới có căn cứ để sửa đổi chính sách. Chính vì thế tôi cho rằng, bên hội, đoàn thể đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên sâu hơn. Thậm chí các hội, đoàn thể phải giao cho một đội ngũ chuyên nghiệp làm, thì sự phản biện chính sách mới khách quan được.
Hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội ở nước ta đã trải qua 15 năm hoạt động, với thành tựu mà như các ĐBQH nhận xét là một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH về cơ bản, khác với các loại hình tín dụng của Ngân hàng thương mại là không có tính cạnh tranh, không phải thế chấp tài sản, cho nên, nó có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh.
Việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các hội, đoàn thể đã thành lập được nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả, từ đó, chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức này ngày càng được nâng lên, công tác giảm nghèo bền vững ở hội viên cũng đạt hiệu quả cao…
Những thông điệp về phân tích chính sách dưới góc nhìn của các nhà quản lý, nhà lập pháp và đại diện các hội, đoàn thể giúp tìm giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, góp phần hướng tới bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững.
(Nguồn Theo PV http://vbsp.org.vn)