Innobiz tìm hiểu nhu cầu, năng lực, khả năng hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về tổ chức và hoạt động của mỗi bên, qua đó nhằm tìm hiểu nhu cầu, năng lực, khả năng hợp tác của Innobiz với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Thông tin tại buổi làm việc, TS. Đỗ Hữu Hào cho biết, Tổng hội CKVN được thành lập từ năm 1988, gồm các hội thành viên địa phương, các trường, viện nghiên cứu trải dài khắp 3 miền từ Bắc – Trung – Nam. Trong các hội thành viên địa phương có tới vài chục nghìn doanh nghiệp có quy mô từ nhỏ đến lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp ở mức trung bình chiếm khoảng 60-70%, còn lại khoảng 30-40% doanh nghiệp có trình độ công nghệ khá hơn trong các lĩnh vực ô tô, chế tạo công cụ, thiết bị siêu trường siêu trọng. Điểm còn yếu nhất của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam về công nghệ là lĩnh vực thiết kế.
TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam (thứ ba từ trái qua) thông tin tại buổi làm việc với Innobiz.
Theo Chủ tịch Tổng hội CKVN, Tổng hội đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các cơ quan nước ngoài, như: Tổng hội Cơ khí Trung Quốc, các hiệp hội Hàn Quốc, CHLB Đức và trước đây là Nga trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ… Cứ mỗi 02 năm, Tổng hội tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Các chương trình hợp tác với nước ngoài của Tổng hội đều thành công, như chương trình đóng khung gầm chế tạo ô tô tải của Thaco; sản xuất giàn khoan ngoài biển ở mức -80, -120m nước; sản xuất các thiết bị nâng cần cẩu, tuabin, roto…. Hầu hết DNVVN Việt Nam hoạt động rất nhiều trong lĩnh vực cơ khí và có đóng góp rất lớn cho phát triển đất nước, tạo sản phẩm công nghệ cao, chính xác xuất khẩu ra nước ngoài.
Đại diện Hiệp hội VAMI, ông Nguyễn Đức Thịnh cho biết thêm, Hiệp hội có các doanh nghiệp thành viên thuộc các bộ sản xuất kinh tế lớn. Hoạt động của Hiệp hội tập trung chính trên 2 lĩnh vực cơ khí và cơ khí lắp máy, sản phẩm chế tạo cơ khí rất đa dạng. Một số doanh nghiệp thành viên của VAMI còn hợp tác khai thác phát triển công nghiệp lưỡng dụng, có các trường dạy nghề. Ngoài ra, VAMI còn tham gia đóng góp, đề xuất chính sách phát triển thị trường trong nước.
Phía Innobiz cũng giới thiệu, Innobiz là Hiệp hội Đổi mới doanh nghiệp vừa & nhỏ của Hàn Quốc có khoảng 20.000 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.
Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác. Năm 2022-2023, đã có 92 quốc gia tham dự với hơn 1.500 chương trình khác nhau. Innobiz đến Việt Nam từ năm 2004, sau 20 năm đã thực hiện 134 dự án và dự án lần này là một trong số đó, nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái về đổi mới công nghệ cho các DNVVN và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Nội dung dự án này có 3 chủ đề chính liên quan tới phương pháp lựa chọn đổi mới phát triển, chính sách hỗ trợ DNVVN Việt Nam. Thông qua các chuyến thăm, tìm hiểu hiện trạng DNNVV để tìm kiếm thông số, dữ liệu thống kê liên quan, nghiên cứu tìm ra đối tác tham gia đổi mới công nghệ tại DNNVV Việt Nam.
Chứng nhận Innobiz được rất nhiều DNNVV Hàn Quốc đăng ký tham dự. Có rất nhiều chỉ tiêu đánh giá về công nghệ, thông qua các chỉ số đó để đánh giá doanh nghiệp nào đạt được chứng nhận. Các DNNVV đã nhận được chứng nhận Innobiz đóng góp vào GDP Hàn Quốc tới 13,8%.
Đoàn Hiệp hội Đổi mới doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (Innobiz) do ông Joon. Lee - Giám đốc trụ sở toàn cầu của Hiệp hội làm Trưởng đoàn.
Về đề xuất nghiên cứu đổi mới công nghệ với DNNVV Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội CKVN chia sẻ Ba nội dung các doanh nghiệp cần tìm đối tác hợp tác đó là: hỗ trợ chuyển giao công nghệ; tổ chức đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực thiết kế, đào tạo quản lý theo trình độ hiện đại; trao đổi chuyên gia, trao đổi các đoàn cùng tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành hai bên cùng quan tâm.
Ông Young-Hwan Noh – Giáo sư Khoa Kinh tế, Đại học Nữ sinh Seoul cho hay, tại Hàn Quốc, thông qua các hoạt động của Hiệp hội Innobiz tạo lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tự chủ doanh nghiệp.
“Lần này tới Việt Nam, chúng tôi đã tiếp cận 15 DNVVN Việt Nam phát hiện nhiều điều mới mẻ. Vốn không phải là vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp, mà việc nuôi dưỡng nguồn lực về công nghệ của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ba mong muốn ngài Chủ tịch vừa nêu rất khớp với những điều chúng tôi đã tìm hiểu, thu thập. Chúng tôi thấy những lĩnh vực như thiết kế liên quan đến bằng sáng chế, liên quan đến kiến thức chuyên môn nên việc tư vấn chuyên gia, tư vấn kinh doanh là bước hiệu quả cho DNVVN của Việt Nam” - ông Young-Hwan Noh nhấn mạnh.
Kết thúc buổi làm việc, ông Joon. Lee cho biết, qua buổi gặp gỡ, trao đổi này ông cùng đoàn công tác đã nắm bắt được khá nhiều thông tin mong muốn và hy vọng những chuyến công tác tiếp theo đoàn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của Tổng hội CKVN, Hiệp hội VAMI và được gặp gỡ, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sâu hơn, kỹ hơn.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.