Brand Finance là tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu đã có mặt tại hàng chục quốc gia. Tuân thủ ISO 20671, đánh giá của Brand Finance về vốn cổ đông kết hợp với dữ liệu gốc trong nghiên cứu thị trường từ hơn 150.000 người tham gia phỏng vấn tại 38 quốc gia thuộc 31 lĩnh vực.
10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Giá trị thương hiệu được hiểu là lợi ích kinh tế ròng mà chủ sở hữu thương hiệu sẽ nhận được thông qua cấp giấy phép cho thương hiệu trong thị trường mở. Brand Finance xác định sức mạnh tương đối của các thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng gồm các số liệu đánh giá hoạt động đầu tư tiếp thị, vốn cổ đông và hiệu quả kinh doanh.
Bảng xếp hạng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành tại Việt Nam. Trong đó, viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỉ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...
Đáng chú ý, Tập đoàn viễn thông Viettel ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu thêm 2% đạt 8,9 tỷ USD và duy trì xếp hạng sức mạnh thương hiệu ở mức AAA, trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 8 năm liên tiếp. Thành tựu thương hiệu ấn tượng này đã góp phần cải thiện kết quả tài chính của Viettel khi doanh thu của thương hiệu này tăng 23,4%, đạt 23.700 tỷ đồng vào năm 2022.
Xếp ngay sau Viettel ở vị trí thứ 2 là Vinamilk, với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD và tăng 6% so với năm 2022. Theo báo cáo tài chính quý I/2023, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk đạt 13.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, và lợi nhuận trước thuế đạt 2.312 tỉ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 22,1% so với kế hoạch năm.
Với mức tăng trưởng vượt bậc (+105%, chiếm 2% tổng giá trị), ngành công nghệ đã và đang nổi lên như một ngành có tiềm năng lớn trước thời đại chuyển đổi số. Đứng đầu ngành là FPT với giá trị thương hiệu lên đến 594,5 triệu USD, tăng 52%.
Theo Brand Finance, sự thành công này là kết quả của nỗ lực đổi mới, tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, việc thiết lập đối tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã giúp FPT tạo ra môi trường hợp tác và phát triển bền vững.
Báo cáo của Brand Finance cũng nhấn mạnh rằng, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những thách thức kinh tế bằng cách triển khai số hóa và cải thiện dịch vụ khách hàng. Ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu chung là 47%, ngành ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành, với sự đóng góp vượt bậc của các thương hiệu Vietcombank (1,9 tỉ USD), Agribank (1,4 tỉ USD), BIDV (1,4 tỉ USD), Techcombank (1,4 tỉ USD), VP Bank (1,3 tỉ USD), MB (803,4 triệu USD), TPBank (424,9 triệu USD)…
9 thương hiệu ngân hàng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng của Brand Finance năm nay gồm có: TPBank, LPBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Eximbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt và NCB.
Theo đánh giá của Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance - ông Alex Haigh, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã thể hiện mức tăng trưởng vượt bậc trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của Brand Finance năm nay.
Cũng theo báo cáo của Brand Finance, công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, tiện ích là những ngành tăng trưởng về giá trị thương hiệu nhanh hơn trong khi viễn thông, ngân hàng, bất động sản và thực phẩm là những ngành đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị thương hiệu toàn ngành.