Theo FALMI, trong 6 tháng cuối năm 2013, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn TP.HCM cần khoảng 130.000 lao động, bao gồm nhu cầu lao động thay thế và tuyển mới, trong đó yêu cầu về lao động đã được đào tạo nghề chiếm khoảng 70%. Trong đó, tập trung vào những ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ phục vụ, công nghệ thực phẩm, dịch vụ du lịch, kho bãi - vận tải - xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử…
Bên cạnh đó, tại các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, trong 6 tháng tới cần khoảng 10.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như: dệt may - da giày, cơ khí, công nghệ thực phẩm, nhựa - bao bì, điện tử… Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho biết, tại sàn giao dịch việc làm ngày 5-8 có sự tham gia của 52 DN với nhu cầu tuyển dụng 1.817 chỗ làm việc thuộc nhiều lĩnh vực như: Điện - điện tử, dệt may, công nghệ thực phẩm… với mức lương dao động khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là những cơ hội việc làm vô cùng thuận lợi cho người lao động.
Đặc biệt, nhu cầu về lao động có trình độ, chuyên môn, tay nghề cao trong các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin luôn được các DN đặt lên hàng đầu với mức lương từ 4 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nghệ, chuyên viên nhân sự Công ty CP TM&DV Xem Sơn (XESCO) cho biết, hiện Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục lao động có trình độ trong lĩnh vực kinh doanh với mức lương khởi điểm trên 4,5 triệu đồng/tháng.
Thiếu lao động tay nghề cao
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều DN không tuyển thêm lao động, mặt khác hiện các DN đang trong quá trình tái cơ cấu nên quan tâm thực hiện chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để ổn định nhân lực. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN về số lượng không nhiều mà chú trọng tới lao động có kĩ năng, trình độ chuyên môn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực FALMI cho biết, thị trường lao động TP.HCM đang tồn tại nghịch lí là rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều DN tuyển dụng lao động lại không tuyển được, đặc biệt ở các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, theo khảo sát của FALMI, về lĩnh vực công nghệ thông tin hàng năm nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao rất lớn. Tuy nhiên, số lượng người tìm việc chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tuyển dụng và chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành kể cả kiến thức ngoại ngữ. Lĩnh vực cơ khí, nguồn cung lao động chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tuyển dụng.
Ông Cao Văn Hiếu, Trưởng phòng kinh doanh Chi nhánh Cách mạng tháng 8, Công ty Kim Oanh cho biết, qua mỗi lần tuyển dụng, số lao động đáp ứng nhu cầu của Công ty chỉ đạt khoảng 50%, trong đó những lao động có trình độ, chuyên môn cao rất ít. Tại Hepza nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn, nhất là chuyên môn cơ khí bào của các DN vô cùng lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza, hiện số lao động này vẫn khan hiếm trầm trọng vì số sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN rất ít.
Ngoài ra, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực FALMI, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đã khiến TP.HCM mất đi nhiều cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài. Đó là trường hợp một tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM và ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử nhưng TP.HCM đã không thể đáp ứng được yêu cầu trên. Vì vậy, theo đại diện một số DN, để phát triển nghề nghiệp người lao động phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, áp dụng công nghệ mới...