Tại buổi Lễ khai trương, TS.Đồng Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng HCEM, cho biết: Thời gian qua, Trường đã tiếp cận, phân tích, thử nghiệm nhiều giải pháp về học trực tuyến sử dụng phần mềm miễn phí có sẵn trên mạng internet, như: Zoom, Classroom… Qua phân tích cho thấy, những phần mềm này không phù hợp với một cơ sở đào tạo lớn, như HCEM. Mặt khác, phần mềm này chỉ tập trung tính năng, tiện ích cho hoạt động kết nối của thầy và trò (có giới hạn) rất đơn điệu, không có hoạt động quản lý, quản trị, kiểm tra, đánh giá… của một cơ sở giáo dục.
Xuất phát từ thực tế trên, HCEM phối hợp với công ty chuyên về công nghệ phần mềm nghiên cứu hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning, thực hiện trong 3 năm, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning đã giải quyết được tất cả những hạn chế của các phần mềm miễn phí sẵn có trên mạng internet, đảm bảo hệ thống quản lý, quản trị của một Nhà trường trong hệ thống hoàn chỉnh, có phân cấp phân quyền từ Hiệu trưởng, Ban giám hiệu, đến các phòng chức năng nghiệp vụ, khoa đào tạo, bộ môn, giảng viên, lớp học, học sinh, sinh viên, quản lý quá trình, quản lý học liệu, quản trị chất lượng, kiểm tra, đánh giá.
Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning giúp cho Nhà trường tổ chức hoạt động đào tạo linh hoạt, năng động và làm chủ công nghệ. Nhờ công nghệ này, Nhà trường có thể tiếp cận và mời các giảng viên giỏi trên toàn thế giới, tiếp cận và đào tạo sinh viên ở bất kì nơi nào, học bất kì không gian, thời gian, địa điểm nào khi được cấp quyền của Nhà trường và kết nối với mạng. Nguồn tài nguyên của Nhà trường sẽ liên tục được bổ sung, được lưu trữ lại trong hệ thống dữ liệu. Các giảng viên có thể sử dụng lại dữ liệu, tham khảo dữ liệu của đồng nghiệp, cập nhật, bổ sung dữ liệu, qua đó, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho giảng viên. Đối với sinh viên, có thể trao đổi, tổ chức hoạt động nhóm ngay trên môi trường mạng, đồng thời, có thể xem lại bài giảng trên hệ thống…
Cùng với chuỗi sự kiện được diễn ra trong ngày trên, tại cơ sở HCEM ở Vĩnh Phúc, HCEM và Công ty TOYOTA tổ chức Lễ chuyển giao Chương trình đào tạo kỹ thuật TOYOTA (T-TEP). Theo đó, HCEM chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị đối ứng. TOYOTA tài trợ toàn bộ dụng cụ, vật tư ban đầu, trang thiết bị, công nghệ, tài liệu, học liệu chuẩn cho HCEM. Chương trình tập trung vào hai nội dung đào tạo chính là đào tạo sửa chữa vỏ xr ô tô (đồng sơn), khắc phục xe tai nạn và kỹ thuật sửa chữa chung ô tô TOYOTA.
Được biết, hiện nay, nghề công nghệ ô tô là nghề có số lượng sinh viên lớn nhất, quy mô khoảng 1.000 học sinh - sinh viên đến từ 30 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là điều kiện rất tốt, để phát triển hệ thống, cung cấp nhân lực tham gia chuỗi dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, dịch vụ của TOYOTA, đồng thời cũng tạo cho học sinh-sinh viên nhiều cơ hội khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp, sẽ tác động tốt đến thu hút người học, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Nghề công nghệ ô tô của HCEM là nghề đào tạo cấp độ quốc tế, đang được Nhà nước đầu tư 2 triệu đô la (Mỹ) để hiện đại hóa đồng bộ, toàn diện, đáp ứng đào tạo cấp độ quốc tế ngay trong giai đoạn 2020-2022, kết hợp với hoạt động đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp TOYOTA, VINFAST, THACO…, đào tạo đặt hàng, đào tạo kép sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập gắn với việc làm bền vững cho người học, học sinh-sinh viên học tại HCEM được Nhà trường, doanh nghiệp cam kết việc làm, chào đón sẽ đóng góp vào thành công của ngành Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
DUY KHÁNH