Năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật BHYT, đánh dấu bước phát triển và hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân và phát triển hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả. Những quy định trong Luật tác động đến nhiều đối tượng, trên nhiều phương diện khác nhau, từ cơ sở khám chữa bệnh đến các doanh nghiệp, cũng như đời sống kinh tế, xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.
Theo báo cáo, năm 2019, cả nước đã có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7%. Trong đó, có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT ước hơn 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 88,1 đến dưới 90% và 29 địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 88,1%.
Thống kê cho thấy, các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao là nhóm người thuộc khối ngành sự nghiệp; nhóm được ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng hoặc được Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT, như: Người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới sáu tuổi…
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở.
Ðánh giá của Chính phủ cho thấy, có được những kết quả ấn tượng nêu trên chính là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp hiệu quả của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ban ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Ðồng thời tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn... để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT, Chính phủ và các Bộ ngành cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa. Cụ thể: Cần tập trung phát triển BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng ứng đầy đủ quyền lợi BHYT. Ðổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán…
Ðể thực hiện những nội dung này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa nội dung đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vào nghị quyết về kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và nghị quyết về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, xem xét cân đối vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho chương trình “Ðầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á; cho dự án “Ðầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” vay vốn Ngân hàng Thế giới để có thể thực hiện ngay trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Ðồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã được Thủ tướng giao. Bảo đảm ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100%; ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT. Thúc đẩy bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.
Riêng với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, được sử dụng theo nguyên tắc: Dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành (ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã) và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế…
Được biết, Nghị quyết 68 của Quốc hội cũng giao Chính phủ: Ðến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ NSNN trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT ở tỉnh Đắk Nông.
Nghị quyết 68 cũng chỉ rõ, đến năm 2020 sẽ hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyển chi thường xuyên từ NSNN cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
HÀ VY