Công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực
Những năm qua, công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2021-2023 đều tăng từ 11% đến hơn 22%/năm. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh thu hút mới 149 dự án trong lĩnh vực công nghiệp (trong đó có 104 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD, 45 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 7.896 tỷ đồng); thực hiện tăng vốn cho 147 lượt dự án, trong đó có 132 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng 724,03 triệu USD và 15 lượt dự án DDI với tổng vốn tăng là 4.558 tỷ đồng.
Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại và lấp đầy nhanh chóng.
Tổng vốn đầu tư thu hút trong lĩnh vực công nghiệp (cấp mới và tăng vốn) đạt khoảng 65.142 tỷ đồng (hơn 2,39 tỷ USD đối với các dự án FDI và 12.454 tỷ đồng đối với các dự án DDI). Đáng nói là nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã chọn Vĩnh Phúc là điểm đến để đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn điện tử Samsung, Dell; một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple...
Tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, phương hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…
Thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu, bao gồm: Sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cơ khí chế tạo, lắp ráp và phát triển sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh liện, phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp.
Chế biến thực phẩm, đồ uống: tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thu hút và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại như bò, lợn và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển chăn nuôi bò, lợn ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm.
Phát triển các nhóm ngành công nghiệp khuyến khích phát triển như chế biến nông, lâm sản; sản xuất dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện với môi trường…