Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu tại Đại hội.
Ngày 24/6, tại Hà Nội, VEAM đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội đã thông qua Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, Báo cáo tài chính năm 2021, Phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát (BKS); đồng thời thông qua các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất kinh doanh và lợi nhuận năm 2022. Tại Đại hội lần này, VEAM thông qua việc niêm yết cổ phiếu Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP, mã cổ phiếu VEA. Nghị quyết Đại hội cũng đã phê chuẩn kết quả bầu thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2027.
Chủ tịch HĐQT VEAM Nguyễn Khắc Hải báo cáo hoạt động của HĐQT.
Phát huy thế mạnh, nâng cao năng lực sản xuất
Có thể thấy rõ, giai đoạn 2017-2022, các hoạt động kinh doanh của VEAM gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến VEAM và các doanh nghiệp có vốn góp của VEAM phải chịu tác động nặng nề. Biến động về giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển leo thang do đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động về tỷ giá; thị trường ô tô, động cơ, máy nông nghiệp gặp nhiều yếu tố bất lợi và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đặc biệt, giai đoạn này VEAM vẫn phải tập trung xử lý, giải quyết các tồn tại, sai phạm xảy ra nhiều năm trước đây để lại…
Mặc dù vậy, đây cũng là thời kỳ mà thị trường xe máy và ô tô có sự tăng trưởng đã tác động tích cực đến các công ty có vốn góp của VEAM hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn này nhưng kết quả doanh thu tài chính vẫn khá tốt dẫn đến tổng doanh thu của Công ty mẹ vẫn đạt ở mức cao bên cạnh mảng công nghiệp hỗ trợ đang dần thành lĩnh vực quan trọng tại các đơn vị thành viên; thu nhập người lao động tăng trưởng hàng năm; hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận cao, mức cổ tức để chia cho cổ đông hàng năm đều có sự tăng trưởng. HĐQT đã luôn bám sát tình hình thực tiễn, phát huy những thế mạnh của VEAM, chỉ đạo và định hướng để Ban điều hành hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội đồng cổ đông thường niên đề ra. Các hoạt động của HĐQT đều lấy mục tiêu đảm bảo sự ổn định và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, các hoạt động tài chính, đầu tư phải công khai, minh bạch và tiết kiệm.
Báo cáo hoạt động của HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 và kế hoạch nhiệm kỳ 2022-2027, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT cho biết, định hướng phát triển của VEAM nhiệm kỳ 2022-2027 là xây dựng VEAM trở thành một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí; chuyên môn hoá cao trong lĩnh vực tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm: Động cơ, máy nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ; ô tô – xe máy để đóng góp có hiệu quả và tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó, là đẩy mạnh và tăng cường hợp tác sản xuất trong nội bộ giữa các đơn vị thành viên VEAM nhằm phát huy năng lực nội tại của từng đơn vị thành viên, tạo lợi thế cạnh tranh cho VEAM và từng đơn vị từng bước tìm kiếm những cơ hội phù hợp để gia nhập và chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ.
Mục tiêu của Công ty mẹ từ năm 2022-2026: Tổng doanh thu tăng trưởng bình quân 6,5%/năm; Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 5%/năm; Thu nhập bình quân của người lao động đạt mức tăng trưởng bình quân 6%/năm. Đến năm 2026, Công ty mẹ và một số công ty con có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm; Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 5%/năm; Thu nhập bình quân của người lao động đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.
Triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu VEAM và Phương án sắp xếp, thoái vốn VEAM phù hợp với các định hướng quản lý kinh tế của Chính phủ, đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông và cho doanh nghiệp.
Về công tác đầu tư, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, sẽ tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước để xem xét, hợp tác đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh sản phẩm máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và Khu vực. Nâng cao năng lực sản xuất của các công ty con, trong đó, ưu tiên việc mở rộng sản xuất tại các đơn vị thành viên đang kinh doanh có lãi, tập trung vào các lĩnh vực: Tạo phôi (đúc, rèn); gia công cơ khí và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Những điểm sáng trong khó khăn
Tại Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022, ông Phan Phạm Hà - TV HĐQT, Tổng Giám đốc VEAM cho biết, năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt mức tăng trưởng 34,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 1% so với kế hoạch.
Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Các hoạt động khác tại VEAM nhìn chung vẫn được duy trì ổn định: công tác quản lý và quản trị được chú trọng, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp tiếp tục được nghiên cứu, triển khai để hướng tới hoạt động hiệu quả, bền vững trong tương lai; công tác tài chính, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, công tác công bố thông tin được thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật; sự hợp tác giữa các đơn vị thành viên bắt đầu có những tín hiệu tích cực và mở ra các cơ hội liên kết mới.
VEAM dự kiến chi 5.365 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, đạt 4.037 đồng/cổ phiếu bằng tiền mặt; tỷ lệ chia cổ tức đạt 45,29%.
Từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, VEAM định hướng tập trung khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong các giai đoạn trước, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho các định hướng lâu dài của VEAM trong các giai đoạn tiếp theo; tăng cường nghiên cứu phát triển sản phẩm; phát triển hoạt động thương mại, thị trường; chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất đối với các đơn vị chiếm tỉ trọng cao về doanh thu sản xuất công nghiệp, có vai trò quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của VEAM (DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO) nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững;… từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu của VEAM, hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn sản xuất cơ khí có uy tín trong khu vực và trên toàn thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của HĐQT, Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên VEAM đã đưa Tổng công ty vượt qua rất nhiều khó khăn, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cho chính doanh nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu VEAM tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát thực tiễn để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy và đặc biệt lưu ý, quan tâm đời sống của người lao động.
Chủ tịch HĐQT VEAM - Nguyễn Khắc Hải phát biểu cám ơn và trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Tại Đại hội lần này, Tổng Công ty tiếp tục thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEAM với mã VEA trong năm 2022, đồng thời bầu Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 với số lượng thành viên 05 người, trong đó cổ đông do Nhà nước đề cử là 04 thành viên Hội đồng quản trị (đã bao gồm 02 Thành viên độc lập Hội đồng quản trị) và 01 thành viên do cổ đông/nhóm cổ đông khác đề cử.
Thêm một số hình ảnh ghi nhận từ Đại hội:
Đoàn Chủ tịch Đại hội cổ đông của VEAM năm 2022 trả lời, làm rõ một số câu hỏi của cổ đông.
Ông Lý Quốc Hùng- Ủy viên Ban cán sự Đảng,Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương tặng hoa cho các thành viên Hội đồng quản trị VEAM nhiệm kỳ 2022-2027.
Bà Vũ Thị Hồng Hạnh - Trưởng Ban Kiểm soát báo cáo hoạt động năm 2021 của Ban Kiểm soát.
Toàn cảnh Đại hội.