Các doanh nghiệp chỉ ưu tiên tuyển nhân sự chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để ứng viên bắt nhịp nhanh với công việc và không mất nhiều thời gian đào tạo. Đây lại là hạn chế của những sinh viên mới tốt nghiệp.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm lấy ví dụ, ngành công nghệ thông tin đang rất cần nhân lực am hiểu chuyên ngành, có khả năng tự tìm hiểu công nghệ, ngoại ngữ, thích ứng nhanh với các công nghệ thường xuyên thay đổi. Điều này đòi hỏi người lao động phải chủ động nâng cao kiến thức không ngừng nghỉ, mức độ đào thải cao nên ai không đáp ứng sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi".
Tương tự, nhu cầu nhân lực có trình độ, kinh nghiệm ngành cơ khí, công nghệ thực phẩm, hóa chất trong xu hướng tăng. Lĩnh vực này khát nhân sự trình độ trung cấp nhiều nhất, chiếm tới 50%, kế đến là cao đẳng - đại học (30%), lao động phổ thông (20%). Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nguồn cung mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu.
Đối với y dược-chăm sóc sức khỏe, các nhà tuyển dụng cần trình dược viên, kỹ thuật viên với trình độ trung cấp và cao đẳng nhiều hơn y bác sĩ tốt nghiệp đại học trở lên.
Khảo sát do trung tâm này thực hiện ở 1.460 doanh nghiệp và 7.038 người có nhu cầu tìm việc tại TP HCM.
10 nhóm ngành thiếu hụt lao động nhiều
1. Cơ khí;
2. Điện-điện tử;
3. Công nghệ thông tin;
4. Dệt may-giày da;
5. Công nghệ thực phẩm;
6. Kinh doanh-bán hàng;
7. Truyền thông-quảng cáo-thiết kế đồ họa;
8. Dịch vụ du lịch-nhà hàng-khách sạn;
9. Y dược-chăm sóc sức khỏe;
10. Điện-điện lạnh-điện công nghiệp.
Hà Khánh (nguồn: theo Mai Phương, http://vnexpress.net)