Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm dự và phát biểu tại sự kiện.
Tham dự Diễn đàn có đ/c Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; đ/c Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; đ/c Vũ Thị Hà – Trưởng Ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện 13 đơn vị tạp chí tham dự Diễn đàn và ký kết thi đua: Tạp chí Người Làm Báo, Tạp chí Cơ khí Việt Nam, Tạp chí Giao thông Vận tải, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng, Tạp chí Tự động hóa Ngày nay, Tạp chí Tạp chí Dân tộc, Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí Thương gia, Tạp chí Kinh doanh và tiếp thị, Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống, Tạp chí Điện tử Nhịp sống Thị trường, Tạp chí điện tử Bầu trời rộng mở. Ngoài ra, còn có các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến tham dự và đưa tin về Diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá cao việc 13 cơ quan báo chí tổ chức Diễn đàn và ký kết thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2023) và kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).
Nhấn mạnh ý nghĩa, sứ mệnh, tầm quan trọng của báo chí, đồng chí Trần Thanh Lâm khẳng định, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu ái, dành nhiều tình cảm đối với công tác báo chí và những người làm báo. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nêu rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông; sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa;…”.
Đồng chí Trần Thanh Lâm cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang xây dựng Kế hoạch các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam để các cơ quan báo chí cả nước tích cực tham gia chào mừng sự kiện quan trọng này đối với người làm báo. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng vào các cơ quan báo chí và các tạp chí cần có sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động báo chí. Đặc biệt, mỗi tạp chí cần có những bản sắc riêng, trang trọng và có tầm nhất định, nhân văn, nhân ái đóng góp vào sứ mệnh chung của sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Với hơn 10 tham luận và các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các cơ quan Tạp chí, Diễn đàn đã tập trung thảo luận, phân tích rõ yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí trong việc thực hiện "xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí". Các tham luận nhận định rõ, để "xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc, nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Nhà báo Trần Thị Lan – Quyền Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, để "xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc, nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Tham luận tại Diễn đàn, Nhà báo Dương Thanh Bình – Tổng biên tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa nhằm tạo dựng một môi trường làm việc trong các cơ quan báo chí: tích cực, năng động và sáng tạo, xây dựng lề lối, nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử thân thiện và cởi mở, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí, người làm báo; đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, hướng đến mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới.
Phong trào được phát động giúp các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí, và danh dự, uy tín của người làm báo đối với xã hội.
Nhà báo Dương Thanh Bình – Tổng biên tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn.
Tạp chí Cơ khí Việt Nam là cơ quan báo chí ngôn luận - lý luận của Tổng hội Cơ khí Việt Nam, đồng thời là tiếng nói, kênh thông tin chính thống của ngành Cơ khí Việt Nam. Xác định phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" và "Tiêu chí cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam" là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, nên ngay khi phong trào "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí" được phát động, Tạp chí Cơ khí Việt Nam đã triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan; định hướng hoạt động chi hội, gắn với tiêu chí văn hóa người làm báo, phấn đấu trở thành người làm báo "vừa hồng, vừa chuyên" góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; tuyên truyền vận động hội viên, nhà báo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí gắn với nâng cao văn hóa của người làm báo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và văn hóa người làm báo trong thời đại công nghệ 4.0; xây dựng nội quy, quy chế; thực hiện văn hóa người làm báo gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh yêu cầu: Các cơ quan báo chí cần tuân thủ và thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; Mỗi cơ quan báo chí cần tạo bầu không khí làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác xây dựng văn hóa chia sẻ; Tác nghiệp khách quan vì lợi ích chung, luôn cân nhắc yếu tổ chính trị, pháp lý và đối ngoại cùng các yếu tố khác; Đấu tranh chống tiêu cực, phản biện chính sách phải đi đến cùng, đấu tranh với tinh thần xây dựng hướng tới các giá trị nhân văn, quyền con người; Thực hiện chuyển đổi số trong tòa soạn, tối ưu hóa nguồn thu, nâng cao điều kiện làm việc, thay đổi quy trình vận hành tòa soạn, quản trị nội bộ, quản trị xuất bản; Người đứng đầu cần phải học tập mô hình tốt của nhau cùng phát triển; Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị, nhất là các phóng viên trẻ thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề báo, tôn trọng quyền báo chí.
Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại diễn đàn.
Tại Diễn đàn, đại diện 13 đơn vị tạp chí đã ký kết giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí và văn hoá của người làm báo Việt Nam". Nội dung bản ký giao ước thi đua gồm 2 nội dung. Trong đó, cơ quan báo chí cần nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan...
Nội dung thứ 2 là văn hóa của người làm báo. Trong đó, người cầm bút cần có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Người làm báo cần tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm bảo; Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức...
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Nhà báo Trần Thị Lan – Quyền Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Đại diện 13 đơn vị tạp chí đã ký kết giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí và văn hoá của người làm báo Việt Nam".
Toàn cảnh Diễn đàn.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau sự kiện