Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, cơ bản phù hợp với các nước trên thế giới. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh... Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng; nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới...
Nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Chỉ thị số 21-CT/TW Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Thứ tư, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp.
Thứ năm, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Thứ sáu, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm "học đi đối với hành".
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Thứ tám, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Thứ chín, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Để thực hiện được chính mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Ban Bí thư yêu cầu, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.