Chủ yếu làm thuê cho nước ngoài
Chuyên gia của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đã nhận định, tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt vẫn rất thấp. Báo cáo điều tra của JETRO về tình hình mua linh phụ kiện tại chỗ của các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ nội địa hóa dù có tăng so với 10 năm trước nhưng vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do trình độ gia công của nhiều DN còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của sản phẩm. DN thiếu các phần mềm hỗ trợ sản xuất, các thiết bị gia công, đo đạc, phân tích hiện đại cũng như nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu cao của kỹ thuật.
TS Nguyễn Hữu Xuân - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong đó có khoảng 50% cơ sở chế tạo lắp ráp, còn lại là các cơ sở sửa chữa đơn thuần. Về trình độ công nghệ, kết quả khảo sát 56 DN ngành cơ khí chế tạo cho thấy, có khoảng 39% DN sử dụng công nghệ thấp, 48% DN sử dụng công nghệ trung bình và chỉ 12,5% DN sử dụng công nghệ cao.
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém nội tại của ngành cơ khí là do các điều kiện cần và đủ để phát triển ngành như vật liệu cơ bản, tự động hóa, điện tử, nguồn nhân lực... còn nhiều yếu kém. Về phía DN, theo Bộ Công Thương, các DN cơ khí chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, chưa quan tâm đến việc tiêu chuẩn hóa quốc tế các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chính vì các DN chưa chú ý và chủ động để phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ nên mặc dù năng lực chế tạo có thể đảm nhận được tỷ lệ nội địa hóa lớn nhưng vẫn phải làm thuê cho nước ngoài.
Tạo lập thị trường ở một số phân khúc
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đó là thị trường ngày càng được rộng mở do quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng, cùng với đó là các cơ hội tạo ra do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu” trong một số lĩnh vực... Bên cạnh đó, việc Việt Nam được đánh giá có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới cũng là cơ hội để ngành cơ khí vươn lên khẳng định vai trò của mình đối với phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít. Trước hết, đó là các DN sẽ ít có cơ hội duy trì mức bảo hộ cao để khuyến khích sản xuất trong nước. Các quy định về nội địa hóa và các chính sách hỗ trợ cho DN khó có thể tiếp tục duy trì vì những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Chưa kể, DN còn phải cạnh tranh quyết liệt với các Tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, cần sự phát triển của các ngành kinh tế nói chung, trong đó ngành cơ khí. Mục tiêu tổng quát trong phát triển ngành cơ khí là đến năm 2025 ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và xuất khẩu.
Để làm được điều này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ, đầu tư và kinh doanh. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành cơ khí, Nhà nước sẽ tạo lập thị trường ở một số phân ngành, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo, đồng thời ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
Việt Anh (Theo Viễn Phong http://www.baoxaydung.com.vn)