Những lợi ích của Hiệp định EVFTA với thương mại và đầu tư của Việt Nam
Từ ngày 01/01/2023, cơ chế GSP đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hết hiệu lực. Khi đó, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ thực hiện theo quy định và cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đã đạt hơn 57 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2020. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 52 tỷ USD, tăng hơn 14%, riêng xuất khẩu tăng hơn 23%. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bây giờ không chỉ tập trung vào các thị trường như Đức, Pháp và Hà Lan như trước đây mà các nhóm hàng xuất khẩu của chúng ta đã đẩy mạnh tăng trưởng đều cao hơn ở các thị trường khác, các thị trường nhỏ, các thị trường ngách như là khu vực Bắc Âu, Nam Âu hay là khu vực Đông Âu.
EVFTA mang lại cơ hội để nhập khẩu nguyên liệu chất lượng từ EU
Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu từ khu vực Châu Âu. Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị đạt tỷ trọng trên 18%, các nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất tăng trên 10%, trong đó 8% là nhóm hàng các sản phẩm hóa chất.
Các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước châu Âu và những thiết bị máy móc này, những nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho chính quá trình sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Từ những thiết bị máy móc chất lượng tốt và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU thì nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm tăng được giá trị gia tăng và từ đó chúng ta cũng đã tăng được kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.
Chủ động tận dụng những ưu đãi của EVFTA
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, hiện nay Việt Nam và các nước EU đang tập trung phát triển và tập trung quan tâm đến rất nhiều vấn đề mới như phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và đây là những lĩnh vực mà EU, các nước EU là các nước có thế mạnh. Những lĩnh vực ưu tiên này của EU rất phù hợp với chính sách phát triển và định hướng của Việt Nam.
Tuy nhiên, EU là thị trường rất kỹ tính, khó tính và họ có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam thì từ khi Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực thì phía EU đã công bố 74 dự thảo và 173 quy định liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng đang quan tâm đến vấn đề môi trường và họ đang cụ thể hóa hơn, luật hóa hơn những vấn đề về môi trường trong thương mại. Những điều này được đánh giá là sẽ phần nào ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì cũng sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Các doanh nghiệp từ EVFTA có thể tận dụng nguồn đầu tư của Châu Âu, tận dụng nguồn máy móc, nguồn nguyên liệu và công nghệ từ Châu Âu để từ đó thay đổi được phương thức sản xuất, tạo ra được hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, việc tận dụng các ưu đãi của EVFTA không có nhiều khó khăn với những doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu thành công vào EU, tuy nhiên với những doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia xuất khẩu vào thị trường EU thì cần nắm bắt các quy định, thủ tục để thực hiện đúng, tận dụng được những ưu đãi của Hiệp định.
Để gia tăng tận dụng những ưu đãi trong EVFTA, bà Xuân cho rằng, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện mở rộng phát triển vùng nguyên liệu với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường đáp ứng được các tiêu chí của EU. Có chính sách thu hút nguồn lực công nghệ cao từ EU, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để mở rộng dư địa thị trường và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp cần có sự chủ động tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi và những ưu đãi khác của Hiệp định EVFTA.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất tốt những cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Âu. Thông qua hệ thống thương vụ Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ với cả các doanh nghiệp và các cơ quan nước sở tại để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực Châu Âu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật thường xuyên các xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội thảo, chương trình tập huấn.
Tuy nhiên khu vực châu Âu là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối rất lớn. Chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các nhà nhập khẩu Châu Âu, các kênh phân phối lớn của Châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU như các sự kiện Tuần hàng Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả trong thời gian vừa qua.