Thế khó
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng có giá trị XK đạt 3,81 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2014. Cùng thời gian trên, trị giá NK của nhóm hàng này đạt gần 13,96 tỷ USD, tăng cao 36,4% so với cùng kỳ 2014, với thị trường NK chính vẫn là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Giá trị NK gấp hơn 3,5 lần so với giá trị XK đã cho thấy ngành cơ khí của Việt Nam vẫn đang ở thế yếu.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, theo Tổng hội Cơ khí Việt Nam, tính đến năm 2014, cả nước hiện có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong tổng số 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí. Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo lắp ráp, các cơ sở còn lại hầu hết chỉ dừng lại ở mức sửa chữa nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hầu như nguyên vật liệu sản xuất còn phụ thuộc nước ngoài.
Đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thành tích bước đầu, sự phát triển của ngành cơ khí còn nhiều bất cập, nổi lên hiện nay là tình trạng thiếu vốn để đổi mới trang bị, công nghệ, thiếu sự hợp tác liên ngành, bị nước ngoài chèn ép ở nhiều mặt, đội ngũ nguồn nhân lực thiếu… Hơn nữa, công nghệ chế tạo nội địa vẫn đơn giản, trình độ tụt hậu 2-3 thế hệ so với khu vực, chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, thiếu những cơ sở nhiệt luyện tiên tiến…
Cũng theo vị này, trong ngành cơ khí, đáng kể nhất là thành quả của công nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy khi đáp ứng được 90% nhu cầu trong nước. Công nghiệp ô tô được hoạch định và kỳ vọng đến năm 2010 sẽ tự chủ, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, hướng tới XK ô tô và phụ tùng nhưng hầu hết các chỉ tiêu đến nay đều chưa đạt được.
Nói về tình trạng của các DN, theo ông Nguyễn Văn Tân, đại diện Công ty TNHH Hosiden - Hàn Quốc, về giá thành thì sản phẩm của các DN Việt Nam có giá rẻ hơn so với DN nước ngoài nhưng là vì giá gia công rẻ chứ không phải do tối ưu hóa kỹ thuật. Đặc biệt, hiện đa phần sản phẩm của DN Việt Nam chưa đạt được các tiêu chuẩn quốc tế do công nghệ chưa hiện đại, còn nhiều lạc hậu, việc XK vì thế còn vấp phải nhiều khó khăn.
Gian nan tìm hướng đi
Cơ khí, chế tạo được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhà nước đã đề ra nhiều định hướng để tập trung phát triển ngành cơ khí một cách hiệu quả, bền vững. Chính vì thế, các DN ngành này đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ và có những chính sách vay vốn dành riêng cho DN cơ khí. Bởi theo các DN này, việc cải thiện cơ sở sản xuất, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh đều cần rất nhiều vốn, trong khi phần lớn DN cơ khí trong nước đều là DN vừa và nhỏ, kinh doanh bằng vốn tự có.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ đợi chính sách hỗ trợ chung, một số DN cơ khí đã và đang tự hoạch định chiến lược để tạo bước tiến vươn ra thị trường thế giới. Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí, Xây dựng và Thương mại Hà Phong, tiềm lực của Công ty hiện giờ vẫn chưa đủ để đưa hàng đi XK, nhưng Công ty có thể sản xuất hàng đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, Công ty đã lựa chọn hình thức sản xuất sản phẩm phụ tùng cung cấp cho các DN chế xuất hàng XK. Bằng việc sản phẩm được các DN này chấp nhận thì Công ty sẽ lấy đó để làm “điểm tựa”, học hỏi kinh nghiệm để có thể tự đưa hàng XK trong thời gian tới.
Đối với Công ty TNHH Xây dựng, Cơ khí và Thương mại Bình Minh, khó khăn của Công ty là phải tạo được sức cạnh tranh cho sản phẩm khi XK. Do đó, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Công ty cho hay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng theo yêu cầu của khách hàng và đúng quy định của nước NK, Công ty luôn cố gắng tạo ra lợi thế về giá, nếu nguyên liệu đầu vào có tăng giá thì Công ty vẫn sẵn sàng giữ nguyên giá sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng. Công ty sẽ bù lại bằng năng suất lao động, tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng mới để vẫn được lợi về doanh thu.
Nhìn chung, việc giải bài toán nâng cao năng lực XK cho các mặt hàng cơ khí, chế tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam, giải pháp cho ngành cơ khí hiện vẫn cần nội địa hóa nguyên vật liệu sản xuất, tăng vốn đổi mới trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, giảm giá thành các loại linh phụ kiện sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, các DN cơ khí cần có sự liên kết, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành cơ khí một cách có tổ chức, đồng thời tiếp tục đổi mới, sắp xếp phát triển và củng cố DN Nhà nước về cơ khí đủ mạnh để giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng chủ lực của ngành.