Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 252 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản, với số vốn đầu tư trên 65,3 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với trên 36,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam
Như vậy có thể thấy, vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và bỏ xa các lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại thứ 2 và thứ 3 là bất động sản và sản xuất, phân phối điện.
Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,… Đặc biệt là những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.
Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, Năm 2008, Samsung nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam với nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại tỉnh Bắc Ninh, sau đó Samsung liên tục mở rộng đầu tư sang một số tỉnh, như thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD. Đến nay, số vốn đầu tư mà Samsung đã đầu tư vào Việt Nam lên tới khoảng 20 tỷ USD.
Honda Việt Nam cũng đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996 với dự án đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc. Qua 26 năm hoạt động tại Việt Nam, Honda luôn nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhằm đáp ứng kỳ vọng cho vị thế nhà sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại, ngoài nhà máy ở Vĩnh Phúc, Honda còn có nhà máy đặt tại tỉnh Hà Nam.
Việc thu hút được nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đặc biệt, là giúp người lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
Đây được xem là xu hướng tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam, là tín hiệu vui cho Việt Nam, vì những dòng vốn này đổ vào các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao.