Theo báo cáo Sở Công thương Quảng Ninh, công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%, tăng 2,5% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021-2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU (Nghị quyết là 17%/năm).
Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Số liệu của Cục Thống kê Quảng Ninh cho thấy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ninh tăng 6,42% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng trong phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng đạt 13,13%.
Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Quần áo nghề nghiệp tăng 36,5%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ tăng 50,4%; thân mũ tăng 13,6%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 31,5%; thuốc nổ đã điều chế tăng 41,8%; tấm sàn Vinyl Tines tăng 181,0%; tấm Silic tăng 200,2%; nến, nến cây tăng 47,2%; vòng tay thông minh đạt 552 nghìn cái...
Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là bởi tỉnh đã đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch, bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn có năng lực, kinh nghiệm và nghiên cứu đầu tư vào địa bàn, như: Tập đoàn TCL, Foxconn, Jinko Solar...
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh 6 tháng đầu năm chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đúng theo định hướng được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của ngành này.
Cùng với đó, phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được thể hiện rõ nét, bước đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, như KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai.
Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những thay đổi tích cực để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng. Một số công ty mới đi vào hoạt động như: Công ty TNHH Thời trang Dệt Kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Hải Hà Việt Nam sản xuất quần áo, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam có sản xuất sản phẩm mới là vòng tay thông minh. Cùng với Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar đi vào sản xuất từ tháng 4/2022 nên sản lượng sản xuất so cùng kỳ tăng cao.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới.
Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng; tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới.
Để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng gia tăng sự đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương, Quảng Ninh sẽ cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo….