Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.411 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 55ha. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đều đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp.
Một số doanh nghiệp lớn có thể kể đến như: Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định sản xuất thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo với tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng, công suất 430.000 tấn/năm, diện tích nhà máy 21,8 ha; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xây dựng Thiên Phát sản xuất ván ghép thanh phục vụ ngành chế biến gỗ nội, ngoại thất với tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng, công suất 25.000 m3/năm, diện tích nhà máy 10,5 ha.
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ở Bình Định đều đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp.
Hiện Bình Định đang triển khai 10 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký đầu tư 57.444 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 478ha.
Một số dự án công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới như: Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ của Công ty CP Tekcom Central sản xuất ván ép các loại phục vụ ngành chế biến gỗ nội, ngoại thất dự kiến hoạt động quý 1/2026; Nhà máy sản xuất và chế biến ván gỗ MDF của Công ty Du lịch Thương mại Quy Nhơn sản xuất ván MDF phục vụ ngành chế biến gỗ nội thất dự kiến hoạt động quý 3/2025; Nhà máy sản xuất gia công bộ phận phụ tùng ôtô, phụ tùng động cơ, phụ tùng phanh, phụ tùng máy móc hạng nặng phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô dự kiến hoạt động quý 3/2026…
Thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Định đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX là “Bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...”.
Nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, những năm qua Bình Định áp dụng khung chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Trung ương nói chung và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh nói riêng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo đúng định hướng; đã xác định các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bình Định đề nghị được vào Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn liên tục đầu tư cải thiện, nhất là giao thông như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19; cảng Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sản phẩm sang các nước. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đều đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nên thuận lợi trong việc xử lý môi trường, tổ chức quản lý sản xuất tập trung; đồng thời, góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Sở Công Thương Bình Định, hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh thời gian tới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển của quốc gia và của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên: điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất linh kiện ô tô, dệt may, da giày, chế biến gỗ, hóa chất và dược phẩm, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực này.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững giữa các ngành công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Bình Định sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án lớn, đặc biệt từ nguồn vốn FDI, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến gỗ, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện điện tử), công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng, vật liệu mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Công Thương Bình Định đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bình Định tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc. Đề xuất đưa tỉnh Bình Định vào Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng; đồng thời, tham gia chuỗi sản phẩm phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Hỗ trợ Bình Định trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Định và các tỉnh trong khu vực như chế biến gỗ, đá, thủy sản, may mặc....