Chưa có sự phát triển
Tại tọa đàm “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNHT” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hải Phòng vào chiều ngày 12/5, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài- cho biết: Từ đầu thế kỷ XXI, Chính phủ đã chủ trương phát triển CNHT, hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT ở 2 thành phố cảng là Vũng Tàu và Hải Phòng nhưng sau 13 năm nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước, từng vùng kinh tế.
Theo số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 doanh nghiệp (DN) trong nước đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ôtô đặt mục tiêu 2010 - 2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7% - 8%. Ngành dệt may dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào 2020, nhưng hiện vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải…
Lý giải về nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Mại thẳng thắn - bày tỏ: Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Chẳng hạn, trong thập niên 90 của thế kỷ trước Malaysia đã tập trung phát triển lĩnh vực điện và điện tử để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển CNHT chưa tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc: chuỗi giá trị sản phẩm từ người cung ứng đầu vào - người sản xuất sản phẩm cuối cùng - người phân phối sản phẩm và theo chiều ngang: giữa các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm với sự phân công và hợp tác để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo số liệu điều tra của JETRO (Nhật Bản) thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50 - 60%, trong khi của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ từ 15 - 30%.
Tăng thêm ưu đãi
Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng: Chính phủ nên tập trung phát triển CNHT một số sản phẩm có quy mô lớn và phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước. Đó là cơ khí và cơ khí điện tử gắn với các sản phẩm ôtô, xe máy, công nghệ thông tin, điện thoại di động, điện tử dân dụng; tập trung đầu tư phát triển với tốc độ nhanh để từ nay đến 2020 nước ta trở thành cứ điểm lớn của thế giới về sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp và điện tử. “Để làm được điều này, nhà nước cần tăng thêm ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp CNHT”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ và CNC Việt Nam đề xuất, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần chi tiết, cụ thể hơn để giúp đỡ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty Thăng Long Tech: thực tế cho thấy các thương hiệu lớn như Canon, Samsung, Yamaha, Toyota,… thì DN phụ trợ của họ hầu hết là DN của Nhật, Hàn Quốc và đều có tuổi đời từ 30 - 50 năm. Họ không chỉ có quy mô lớn mà còn đặc biệt coi trọng vấn đề bảo mật an ninh (gấp 10 lần các DN ở Việt Nam).
DK (nguồn: theo Quỳnh Nga, http://baocongthuong.com.vn)