Sản phẩm cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường
Sức cạnh tranh thấp
Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 3.100 DN ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị. Ước tính, sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Đơn cử CNHT cơ khí cho sản xuất ôtô, theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), lĩnh vực này phát triển khá khiêm tốn, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân 9 chỗ ngồi với mục tiêu đề ra 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Đại diện của Công ty Ôtô Toyota Việt Nam cũng chia sẻ, phần lớn linh kiện ôtô phải nhập khẩu, nhà sản xuất phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu. Tổng chi phí sản xuất xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với chi phí sản xuất xe trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.
Đây cũng chính là tình trạng bất cập chung của CNHT ngành cơ khí chứ không riêng gì với lĩnh vực ôtô. Ngoài ra, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa DN cơ khí nội địa và nước ngoài còn khá lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam - cho rằng, sản phẩm cơ khí DN trong nước sản xuất hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Vẫn tồn tại DN cơ khí lo việc làm và nuôi sống công nhân, còn tích luỹ chưa được bao nhiêu. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT chưa đủ mạnh nên hầu hết DN tự xoay xở, chưa hấp dẫn đầu tư.
Liên kết để tăng hiệu quả
Thực tế, muốn phát triển ngành cơ khí, cần phải có mạng lưới CNHT đủ mạnh. Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, điều mà các DN cơ khí kỳ vọng đối với ngành CNHT, cụ thể, các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước là hồ sơ năng lực tốt, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng ổn định, có khả năng cung cấp với quy mô lớn.
Trên cơ sở đó, DN cơ khí cần xây dựng lại mô hình sản xuất theo hướng liên kết các nhà trở thành “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Thụ chia sẻ, các DN thành viên trong hiệp hội đã phối hợp với nhau trong việc cung ứng và hợp tác thực hiện dự án có khối lượng lớn, nhiều hợp đồng sản xuất, kinh doanh được triển khai. Đơn cử, Công ty Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam từ nhiều năm nay vẫn đặt hàng chi tiết sản phẩm với trên 25 DN bạn hàng để chế tạo sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, muốn xây dựng hệ thống DN CNHT đủ mạnh, đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng về cơ khí cho các tập đoàn đa quốc gia, đòi hỏi cần hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư. Ngoài ra, nhà nước cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn sắp tới theo một số định hướng cụ thể…
Cần sớm sửa đổi quy định về thuế tại Luật số 71/2014/QH13 nhằm tạo sự bình đẳng giữa sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Việt Anh (Theo http://baocongthuong.com.vn)