TS. Hoàng Hùng Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghiệp CBCT; xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong phục vụ phát triển công nghiệp CBCT; đồng thời tạo mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực CBCT với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nhằm cung cấp hiệu quả các lợi thế của địa phương để trở thành mục tiêu hàng đầu trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh.
Ba đột phá trong công nghiệp CBCT
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” và xác định đẩy mạnh công nghiệp CBCT trở thành một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, là động lực cho phát triển kinh tế. Theo đó, Tỉnh đã xác định phải đạt ba đột phá trong công nghiệp CBCT, đó là đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp CBCT; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp CBCT trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp CBCT. Trong đó, đột phá về thu hút lao động phục vụ ngành công nghiệp CBCT luôn được Tỉnh quan tâm đầu tư đào tạo.
Tỉnh Quảng Ninh có những định hướng phát triển công nghiệp CBCT đối với các ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng, có sức lan tỏa, thúc đẩy thu hút phát triển công nghiệp (sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học…). Trong đó lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, có năng lực, kinh nghiệm vào nghiên cứu, đầu tư như: Thành Công, TCL, Foxconn, Vingroup...
Các đại biểu tham gia cuộc toạ đàm tại Hội thảo
Ngành công nghiệp CBCT của Quảng Ninh là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng doanh nghiệp CBCT của Tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 tăng 550 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn.
Lao động trong ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2010-2020 tăng 1,4 lần, từ 37.293 người (năm 2010), ước tăng lên 54.213 lao động (năm 2020). Việc sử dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lao động đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, trình độ tổ chức quản lý, sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất công nghiệp chưa thật sự hiệu quả, còn thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao.
Ngành công nghiệp CBCT tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của Tỉnh. Phần lớn các doanh nghiệp CBCT có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa chủ động bảo đảm được nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, còn phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc nhập khẩu, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu như dệt may, điện tử, hóa chất... Chất lượng lao động ngành công nghiệp CBCT chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nguồn cung lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, tỷ lệ lao động được đào tạo và đào tạo lại thấp.
Đổi mới, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực
Giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư chuỗi và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy. Phải xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nhân lực phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp CBCT; đồng thời chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông, đào tạo nghề làm nền tảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội XV, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định CBCT là một trong 3 trụ cột chính của ngành công nghiệp. Nghị quyết đầu tiên của của BCH Đảng bộ Tỉnh khóa XV (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020) là về phát triển ngành công nghiệp CBCT. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao; trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 tạo ra 30.000 và năm 2030 là 50.000 chỗ làm việc mới của ngành công nghiệp CBCT.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo ý kiến các chuyên gia, cơ chế chính sách là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Chính quyền các cấp cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách đủ mạnh thuộc thẩm quyền trong việc thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số thông qua các trường đại học, cao đẳng nghề trong Tỉnh như: Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Nghề Việt - Hàn và các cơ sở dạy nghề chất lượng cao,vv...
Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là vấn đề cơ bản nhất mang nhiều yếu tố về lợi ích kinh tế, vừa giải quyết được đầu ra trong đào tạo, vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tránh được các rủi ro về thừa thiếu việc làm, đem lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế xã hội.
Song song với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cần phải tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các trường trong khối đào tạo cần tự chủ và đổi mới, nâng cấp các thiết bị máy móc trong công tác thực hành thực tập, giúp sinh viên áp sát với thực tế, đồng thời bắt kịp với sự phát triển không ngừng của xã hội.
Là một trường Đại học đầu tiên đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh luôn bám sát mục tiêu phát triển của Tỉnh và nhận thấy vai trò then chốt của việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp CBCT. Trong thời gian tới, Trường sẽ huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng và đánh giá chương trình, hỗ trợ việc bố trí chỗ thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; Triển khai tích cực các hợp đồng, thoả thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã ký kết; Đồng thời mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Nếu kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp CBCT với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường,… chắc chắn ngành công nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển bền vững, là trụ cột của ngành công nghiệp và của sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm tới, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc.
Văn Sơn – Mạnh Hùng