Tham dự lễ khai giảng khoá đào tạo có PGS, TS Lê Thu Quý - Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt, TS. IWE. Nguyễn Đức Thắng – Giảng viên khoá học phụ trách chính và các học viên tham gia khoá đào tạo.
PGS, TS Lê Thu Quý - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt phát biểu tại lễ khai giảng khoá đào tạo.
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực hàn cấp cao phục vụ cho các chương trình trọng điểm của nhà nước trong giai đoạn sắp tới, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt kết hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Hàn Việt Nam (VWS) mở khóa đào tạo Thanh tra hàn đợt 1 năm 2025. Nội dung đào tạo được xây dựng phù hợp với các chương trình đào tạo chuyên gia hàn trên thế giới, tiếp cận tiêu chuẩn của Hội Hàn Hoa Kỳ AWS CWI.
Khóa học nhằm cung cấp kiến thức về kỹ thuật hàn và kiểm soát, đảm bảo chất lượng hàn. Học viên hoàn thành khóa học này sẽ hiểu biết về công nghệ hàn và có kỹ năng thực hiện tốt các yêu cầu của người thanh tra hàn đối với dự án yêu cầu cao về chất lượng hàn trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện hạt nhân, nhiệt điện, điện gió, dầu khí, hàng không vũ trụ...
TS. IWE. Nguyễn Đức Thắng – Giảng viên khoá học phụ trách chính giới thiệu nội dung đào tạo chính của khoá học.
Chương trình đào tạo Thanh tra hàn được biên soạn và thực hiện tiếp cận tiêu chuẩn AWS QC1, gồm 4 phần cơ bản:
1) Kiến thức cơ bản và kỹ thuật thanh tra hàn tại công trường, bao gồm những kiến thức cơ bản về các phương pháp kiểm tra Không phá hủy đối với các quá trình hàn thông dụng. Trợ giúp cho các Thanh tra viên hàn có những hiểu biết về công nghệ hàn, kiến thức nền tảng có ích cho việc giám sát hàn ở công trường. Ngoài ra chuẩn bị kiến thức cho thanh tra viên hàn tham gia thi lý thuyết phần A của chương trình CWI.
2) Kỹ năng kiểm tra ngoại dạng và kích thước mối hàn chú trọng phần hướng dẫn thực hành sử dụng các dụng cụ đo trên các mẫu hàn để xác định kích thước những điểm bất liên tục trên bề mặt mối hàn. Học viên sẽ tra cứu tiêu chí chấp nhận trong tiêu chuẩn áp dụng để đánh giá mẫu hàn mình đang thực hành. Phần này chuẩn bị cho học viên kỹ năng thực hành cho phần thi “B” bắt buộc theo chương trình CWI.
3) Diễn giải code kết cấu thép hàn của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ AWS D1.1/2020 hoặc Viện Dầu khí Hoa Kỳ API 1104/2021: Giới thiệu cho học viên một sơ đồ thông qua tiêu chuẩn D1.1/2020 hoặc tương đương về các chủ đề chính, các hình ảnh chi tiết, biểu đồ và kỹ năng tra cứu nhanh chóng những phần cần thiết để hiểu về tiêu chuẩn khi làm dưới áp lực công việc về thời gian. Thêm vào đó là khả năng thực hành các câu hỏi, mỗi ví dụ thực tế sẽ được mổ xẻ và được Thanh tra viên hàn phân tích đánh giá ra sao theo tiêu chuẩn áp dụng, những giới hạn cho sự chấp nhận. Ngoài ra, phần học là bài thực hành cách thức tra cứu & sử dụng tiêu chuẩn cho các Thanh tra viên hàn trong công việc thực tế ở hiện trường.
4) Kiểm tra lý thuyết và thực hành theo 3 phần đã học nêu trên ôn luyện cho học viên cách giải các câu hỏi đề thi lấy chứng chỉ CWI tiếp cận tiêu chuẩn Hoa Kỳ - CWI; đồng thời luyện kỹ năng tra cứu tham khảo tài liệu tiêu chuẩn.
Học viên tham gia khoá đào tạo để trở thành Thanh tra hàn tiếp cận tiêu chuẩn AWS QC1.
Học viên hoàn thành khoá đào tạo để trở thành Thanh tra hàn tiếp cận tiêu chuẩn AWS QC1. Thanh tra hàn có những hiểu biết về công nghệ hàn, kiến thức nền tảng phục vụ hiệu quả cho việc giám sát hàn ở công trường; biết sử dụng các dụng cụ đo các mẫu hàn để xác định kích thước những điểm bất liên tục trên bề mặt mối hàn; hiểu được tiêu chí chấp nhận trong tiêu chuẩn áp dụng để đánh giá mẫu hàn; nắm chắc cách tra cứu và sử dụng tiêu chuẩn trong công việc thực tế tại xưởng và công trường.
Dự kiến, thời gian đào tạo khóa học Đào tạo Thanh tra hàn (tiếp cận tiêu chuẩn Hoa Kỳ - CWI) là 14 ngày, đối với học viên là kỹ sư cơ khí, điện, xây dựng, nhiệt, hóa... đang làm công việc liên quan đến hàn, trình độ cao đẳng đối với những học viên chuyên ngành Hàn .
Học viên tham gia khoá học và thi đạt kết quả sẽ được cấp Giấy chứng nhận của Hội Khoa học Kỹ thuật Hàn Việt Nam, với thời hạn 4 năm.