Ảnh minh họa
Có thể tiếp cận vốn
Ghi nhận thực tế tại các doanh nghiệp (DN), quy định mới về tiếp cận vốn vay phát triển CNHT đã phần nào tháo gỡ bớt những lo lắng cho DN. Theo ông Trịnh Bá Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và công nghiệp Việt Úc- khó khăn của DN đi vay vốn nằm ở thủ tục, các ngân hàng hiện vẫn yêu cầu DN phải thế chấp tài sản gần tương đương với giá trị được vay. Cùng với tài sản thế chấp, DN phải cho ngân hàng thấy báo cáo tài chính tốt, dự án khả thi. Vì thế, với quy định trong Nghị định mới DN sẽ dễ thở hơn khi chỉ phải thế chấp tối thiểu 15% giá trị khoản vay.
Ông Phạm Quang Minh - Giám đốc Công ty cơ khí ô tô Quyết Thắng - cho biết, thời gian qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo ra chuyển biến đáng kể. Với thông tư mới này, hy vọng sẽ hỗ trợ hơn cho DN CNHT. Hiện ngân hàng đã hướng dẫn trao đổi cụ thể với DN và DN cũng mạnh dạn hơn khi tiếp cận với ngân hàng.
Ông Vương Hữu Mẫn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - thông tin, việc tiếp cận vốn của DN đã khả quan hơn. Năm 2016, công ty tiếp tục ký kết với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Mỹ Hưng để vay 250 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Tuy nhiên, dưới góc độ khác, giám đốc một DN cơ khí tại TP.HCM cho rằng, mặc dù chính sách đã có nhiều ưu đãi giúp DN CNHT vay vốn tốt hơn. Nhưng việc cho vay hỗ trợ, bảo lãnh, vay chính sách mà vẫn yêu cầu tài sản thế chấp tối thiểu 15% vốn vay thì vẫn làm khó nhiều DN…
Còn ông Lương Thế Toàn - Giám đốc Công ty cơ khí Hoàng Minh - cho biết, do đặc thù của DN CNHT là đơn hàng chỉ chốt khoảng 2 tháng/lần nên không thể tính toán, dự báo chính xác lợi nhuận kinh doanh của cả năm, do đó không phải DN nào cũng dám vay nhiều. Vì thế, lãi suất cho vay cần thấp hơn để DN mạnh dạn vay, giúp mở rộng sản xuất.
Linh hoạt hình thức cho vay
Các ngân hàng thương mại cho biết, sẽ dành lượng tín dụng ổn định để đáp ứng nhu cầu cho các DN vừa và nhỏ, trong đó có DN CNHT. Ông Bùi Tấn Tài - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB - cho biết, ACB dành 14 ngàn tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ, trong đó, DN CNHT vay ưu đãi, mức lãi suất cho vay chỉ từ 7%/năm và được duy trì ổn định trong suốt năm 2016.
Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho hay, việc tiếp cận vốn khi thiếu tài sản thế chấp hiện nay không cấm nhưng các ngân hàng phải đánh giá được uy tín, tín nhiệm của DN thông qua năng lực quản trị, năng lực tài chính, xếp hạng DN. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành khung chuẩn về đánh giá xếp hạng DN, để các ngân hàng thương mại áp dụng. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh cho vay không cần tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Cường khuyến cáo, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay, các DN cần có chiến lược đầu tư dài hạn cho hoạt động tái cấu trúc, tranh thủ các hỗ trợ tài chính để đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp quản trị.
Thông tư hướng dẫn cho vay phát triển CNHT quy định, DN nhỏ và vừa khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh tín dụng để đầu tư dự án sản xuất sản phẩm CNHT, ngoài chính sách ưu đãi cho vay thông thường, còn được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu 15% giá trị khoản vay; tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư và tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với NHNN, nợ xấu tại các TCTD hoặc tổ chức kinh tế khác.