Ngày 27/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo "Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2023".
PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, Liên hiệp Hội có hệ thống báo chí lớn, có nhiều tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội, là kênh quan trọng trong việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh: Cần phải thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động, phát triển của kỷ nguyên công nghệ số.
Để báo chí thực sự vận hành một cách hiệu quả chuyển đổi số, người làm báo không chỉ quan tâm tới “công nghệ” mà phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của các "thế lực" truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt, không có nền tảng công nghệ hiện đại khó có thể thu hút được quảng cáo. Do đó, cần phải thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông – quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có. Đồng thời tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Bà Trần Thị Giang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa Ngày nay cho rằng, các cơ quan báo chí tại các cơ quan hội trực thuộc Liên hiệp Hội được giao tự chủ, tự hạch toán, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo, bán báo/tạp chí, phí đăng bài báo khoa học, liên kết tổ chức sự kiện. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ucraina, kinh tế toàn cầu đều khó khăn, thị phần quảng cáo rơi vào mạng xã hội phần lớn, hoạt động tổ chức sự kiện cũng giảm, do đó doanh thu giảm đến trên 70-80%.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội đang đặt ra bài toán cho bản thân các cơ quan báo chí lẫn cơ quan chủ quản trực tiếp, cơ quan gián tiếp là Liên hiệp Hội và Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông. Do đó, cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành. Liên hiệp Hội cần tăng cường vai trò kết nối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, xuất bản, cần tham mưu, phản biện cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng các văn bản quy phạm triển khai phổ biến các văn bản pháp luật như: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; xây dựng các quy chế để hỗ trợ cho công tác quản lý vừa nhằm bảo vệ quyền lợi cho hệ thống các cơ quan báo chí trong hệ thống vừa giúp báo chí cả nước phát triển.