Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Hiệp Hòa đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm; kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học… từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân.
Nhân dịp huyện Hiệp Hòa tổ chức Lễ đón nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hoà; Di tích quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm); Quyết định Công nhận huyện đạt chuẩn NTM, nhóm phóng viên Tạp chí Cơ khí Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà với chủ đề “Hiệp Hoà (Bắc Giang): Tiếp bước truyền thống cha anh, nâng tầm vóc mới”. Tạp chí Cơ khí Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Đồng chí Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà.
Phóng viên: Di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Điều đó khẳng định những giá trị to lớn của Hệ thống di tích ATK II Hiệp Hòa đối với tiến trình lịch sử cách mạng của Dân tộc và là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Hiệp Hòa nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung. Cơ sở nào để tạo nên những giá trị đó, thưa đồng chí Chủ tịch?
Đ/c Hoàng Công Bộ: Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATKII của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với vùng trung du và đồng bằng, cửa ngõ quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc với các cơ sở và phong trào cách mạng ở miền xuôi. Như vậy, ATK II không những là địa bàn thuận lợi về vị trí địa lý mà nơi đây còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với một thế trận lòng dân vô cùng vững chắc. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, gắn với mỗi gia đình, người dân và trong hệ thống di tích ATK II Hiệp Hòa.
Hiệp Hòa có 16/25 xã được công nhận là ATK II. Di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa, gồm 8 địa điểm: Nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), xã Hoàng Vân- cơ sở cách mạng đầu tiên của ATKII Hiệp Hoà; Chùa Y Sơn (Chùa IA), xã Hòa Sơn- nơi diễn ra cuộc diễn thuyết tuyên truyền cách mạng ngày 22/2/1940; Đền Soi, xã Hoàng Vân- địa điểm huấn luyện quân sự thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Nhà cụ Nguyễn Văn Chế (cụ Hựu), xã Hoàng Vân- nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (khai mạc ngày 19/11/1942); Đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm- nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm trên toàn quốc; Đình Chợ Vân, xã Hoàng An- nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, cứu nước, giành chính quyền về tay Nhân dân; Nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông)- nơi diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; Đình Vân Xuyên, xã Hoàng Vân- nơi đội vũ trang của Tỉnh cùng với tự vệ tập trung lực lượng tiến vào huyện lỵ đập tan chế độ phong kiến và phát xít, thành lập chính quyền cách mạng.
Quang cảnh buổi Họp báo công bố Lễ đón nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hoà; Di tích quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm); Quyết định Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Di tích quốc gia ATK II Hiệp Hòa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt một lần nữa ghi nhận và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của Nhân dân Hiệp Hòa vào thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Bắc Giang; đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hoà đang triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổ chức trùng tu, tôn tạo các điểm di tích; đồng thời, tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá để cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đặc biệt của di tích ATK II, từ đó có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.
Đồng chí Hoàng Công Bộ (giữa) Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà phát biểu tại buổi Họp báo công bố Lễ đón nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hoà; Di tích quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm); Quyết định Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Phóng viên: Được biết, ngoài ATK II, Hiệp Hoà còn có di tích quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm. Đồng chí có thể thông tin cho độc giả hiểu thêm về chuyến thăm, làm việc của Người và việc lưu giữ dấu ấn đặc biệt này của huyện nhà?
Đ/c Hoàng Công Bộ: Huyện Hiệp Hoà nói chung và thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm nói riêng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, luôn đi theo Đảng làm cách mạng. Nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn, kỉ niệm sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Hiệp Hòa với Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của Dân tộc. Trong cải cách ruộng đất, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm được Đảng, Chính phủ chọn mở trường tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên về học tập từ tháng 10/1954 đến tháng 02/1955. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng như: Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng… cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Chính phủ về thăm và nói chuyện với Trường tập huấn. Đặc biệt, ngày 08/02/1955 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi), vinh dự cho Hội nghị và quê hương Hiệp Hòa, Bác Hồ kính yêu đã về dự Hội nghị. Tại đây, Người nói chuyện thân mật với Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 tại Soi Vải, xứ Đồng Nương, thôn Cẩm Xuyên; Người làm việc với Ban cán sự Đoàn uỷ Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên; động viên, thăm nơi ăn chốn ở của anh chị em cán bộ Đoàn cải cách ruộng đất và thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên. Nhằm lưu giữ, trân trọng những kỷ niệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hiệp Hòa, xã Xuân Cẩm, thôn Cẩm Xuyên với vị Cha già kính yêu của Dân tộc, năm 2021 UBND huyện đã quy hoạch quần thể di tích với diện tích hơn 3 ha . Trong khuôn viên đã xây dựng nhà tưởng niệm, trong nhà lưu niệm có bia đá ghi dấu sự kiện ngày 08/02/1955 để phục vụ công tác giáo dục truyền thống, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho Nhân dân, cán bộ và đảng viên.
Quang cảnh thị trấn Thắng (Hiệp Hoà).
Phóng viên: Tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng của cha ông, cán bộ, Nhân dân huyện Hiệp Hoà đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật, mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM của huyện?
Đ/c Hoàng Công Bộ: Hiệp Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang ban hành Bộ tiêu chí thôn NTM (từ năm 2013), là căn cứ khảo sát, đánh giá giúp UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí thôn NTM triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong 10 năm qua, huyện đã huy động hơn 4.500 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng NTM. Huyện ủy, UBND huyện đã mạnh dạn ban hành nhiều cơ chế chính sách mới, sáng tạo để thúc đẩy việc xây dựng NTM, như:
- Hỗ trợ và thưởng xã về đích NTM 2-3 tỷ đồng; xã nâng cao 2-4 tỷ đồng; thôn kiểu mẫu 300 -400 triệu đồng, thôn nông thôn mới 20-50 triệu đồng.
- Hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp học: 200-300 triệu đồng/phòng học.
- Hỗ trợ cứng hóa đường trục xã 200 triệu đồng/km, đường trục thôn 80 triệu đồng/km, đường ngõ xóm 60 triệu đồng/km, đường nội đồng 40 triệu đồng/km.
- Hỗ trợ các thiết bị tưới nhỏ giọt trong nhà màng công nghệ cao 150 triệu đồng/nhà màng, hỗ trợ các vùng sản xuất rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP 5,0 triệu đồng/ha, hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa 4 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ thực hiện cứng hóa kênh mương (70 triệu đồng/km).
Huyện đã sớm thực hiện công tác dồn điền đổi thửa để tổ chức cánh đồng mẫu lớn. Từ năm 2014 đến nay đã dồn điền được 3.467 ha tại 86 thôn của 17 xã, tổ chức thực hiện 33 mô hình cánh đồng mẫu lớn; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 33 mô hình nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích là 6,9ha.
Phong trào cứng hóa, phát triển đường giao thông nông thôn rất mạnh mẽ. Toàn huyện đã có 1.173km đường giao thông được cứng hóa, cao hơn 3% so với bình quân toàn tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2019, huyện đã cứng hóa được hơn 423 km đường giao thông nông thôn, khiến cho bộ mặt nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp.
Hiệp Hoà cũng là điểm sáng trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thông qua công tác lập quy hoạch chi tiết mở rộng, xây dựng các di tích lịch sử - văn hóa các cấp; bảo tồn các lễ hội truyền thống. Trùng tu, tôn tạo các di tích đặc biệt ATK II; di tích Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm); đồng thời hình thành, khai thác các không gian du lịch: Không gian du lịch sinh thái, tâm linh, ATK II và Không gian du lịch Lăng đá; hát ca trù, quan họ, chèo.
Với sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2021, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Tổng giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 14,4 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,5%, vượt 0,5% so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, vượt 7 nghìn tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2020 đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm, cao hơn 22 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,3%, đạt 37% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Đến nay, huyện Hiệp Hoà có 100% xã đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 22 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM.
Đình Vân Xuyên (Hiệp Hoà)
Phóng viên: Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và người dân Hiệp Hòa. Theo đồng chí, yếu tố nào quyết định thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện?
Đ/c Hoàng Công Bộ: Huyện Hiệp Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò của chi bộ, thôn, xóm và hộ gia đình trong xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung vào cuộc quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Với phương châm “Nhân dân là chủ thể - công tác tuyên truyền là giải pháp hàng đầu - sự đồng thuận của Nhân dân là yếu tố quyết định”, trong suốt quá trình thực hiện các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng nội dung đều được Nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu, đã được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, phong phú, làm cho dân hiểu rõ lợi ích, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia đóng góp ý kiến, ngày công, tiền của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, thì vai trò của cán bộ chủ chốt ở cơ sở là hết sức quan trọng; sự sáng tạo của cấp ủy, lãnh đạo thôn với ý nghĩa tiên phong, nhất là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đã góp phần thành công xây dựng NTM ở Hiệp Hòa.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, biện pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn huyện trong thời gian tới?
Đ/c Hoàng Công Bộ: Huyện Hiệp Hoà đang hướng đến thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60 - 65 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm, đến năm 2025 còn 1,95% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025); tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99%; tỉ lệ xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế duy trì đạt 100%; tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải 100%; tỉ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%;…
Huyện nỗ lực phấn đấu từng bước hoàn thành bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao trong thời gian tới. Đến năm 2025, có 10/24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (gồm các xã: Đoan Bái, Hùng Sơn, Danh Thắng, Đông Lỗ, Mai Trung, Thanh Vân, Đại Thành, Hoàng Lương, Hoàng An, Hợp Thịnh) và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ( gồm các xã: Đoan Bái, Danh Thắng, Hùng Sơn), có thêm từ 10 - 15 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 30 - 35 thôn.
Năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện NTM nâng cao 3 xã: Thanh Vân, Đông Lỗ, Mai Trung; duy trì và từng bước nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9/9 tiêu chí huyện NTM; 10 thôn đạt chuẩn thôn NTM, 18 thôn NTM kiểu mẫu; xây dựng từ 10-12 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao.
Quán triệt quan điểm: “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể” và “xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Huyện Hiệp Hòa lựa chọn 3 đột phá xây dựng NTM đó là: Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; sớm đưa nhà máy xử lý rác thải quy mô cấp huyện đi vào hoạt động; đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới để người dân thực sự được hưởng thành quả từ xây dựng NTM, góp phần đưa huyện Hiệp Hòa trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây của tỉnh Bắc Giang.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà, Hoàng Công Bộ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!