Ông T là giám đốc một công ty sản xuất, XNK sản phẩm thiết bị điện được thành lập từ năm 2005. Từ 2011 đến nay, công ty của ông T đã tham gia vào ngành CNHT và cũng đã cung ứng các sản phẩm hỗ trợ cho một số công ty nước ngoài lớn ở Việt Nam như Fujikura Việt Nam, Siemens Việt Nam, Mitsubishi Heavy Industries...
Theo như ông T biết, từ năm 2011, Thủ tướng đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Do đó, đầu năm 2013, với quyết tâm là thâm nhập sâu hơn vào ngành CNHT, công ty của ông đã đầu tư một nhà máy mới với số vốn 50 tỉ đồng ở khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương. Trong quá trình xây dựng nhà máy, ông muốn đi vay ngân hàng với nguồn vốn ưu đãi cho DN CNHT. Tuy nhiên với nhiều thủ tục phức tạp và Quyết định 12 còn nhiều điểm chưa cụ thể, nên nhà máy nói trên nên dù đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2013 nhưng đến nay việc xây dựng nhà máy không được nhận ưu đãi nào, trong thời gian dài DN vẫn phải trả mức lãi suất 12,9%/năm.
Câu chuyện của công ty ông T không phải là cá biệt. Khi bàn về CNHT, ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty Bắc Việt đã từng chia sẻ hoàn cảnh trớ trêu của công ty mình. Ông Trần Anh Vương cho biết: Bắc Việt làm CNHT đã 5 năm nay, chuyên cung cấp linh kiện cho Canon và Samsung nhưng DN không có cách nào tiếp cận được chính sách ưu đãi của Nhà nước, phải vật lộn để "sống sót" với lãi suất ngân hàng có thời điểm lên tới 24%/năm. Ngoài ra, khi chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ đào tạo lao động, thì lại được tỉnh yêu cầu dẫn lao động đến đào tạo ở trung tâm của tỉnh với học phí mỗi người 1 triệu đồng. Tôi chắc chắn nếu đưa lao động đến đó thì họ không học được gì cả.
Thất vọng trước việc thực thi chính sách, ông T đã gửi văn bản đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để bày tỏ nỗi bức xúc của mình cùng một loạt các kiến nghị.
Ông T giãi bày: Chính sách ưu đãi cho CNHT đưa ra cần được cụ thể hóa để các cơ quan quản lý cấp dưới, cấp làm việc trực tiếp với DN có thể hỗ trợ cụ thể chi tiết cho DN. Ở mỗi địa phương hoặc vùng kinh tế thì chỉ định cụ thể ngân hàng nào sẽ cho vay, lãi suất bao nhiêu % cho các DN đang theo ngành CNHT. Có như vậy thì DN mới biết địa chỉ nào có cho vay và ngân hàng chỉ định đó sẽ không từ chối cho vay với lãi suất ưu đãi được.
Trong những giải pháp được đưa ra, ông T cũng đề cập việc cần giảm thuế Thu nhập DN để công ty có điều kiện trả nợ vay và tái đầu tư, vì CNHT có lợi nhuận thấp, thực chất chỉ là gia công cho các thương hiệu lớn nên bị ép giá.
Những kiến nghị của ông T mới đây đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi lên Thủ tướng Chính phủ cùng với nhiều kiến nghị của các DN khác.
Hỗ trợ bằng miễn giảm thuế
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng: Chính sách phát triển CNHT chưa có các ưu đãi để khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ, tạo lập quan hệ hợp tác giữa DN FDI với DN trong nước nhất là DN vừa và nhỏ, do vậy mặc dù một số tập đoàn đa quốc gia (TNC) hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Intel, Samsung, Canon đã sản xuất với khối lượng lớn mà vẫn chưa có hệ thống nhà máy CNHT của Việt Nam.
Do các chính sách hiện hành chưa khuyến khích phát triển CNHT, nên Bộ Công Thương đã soạn thảo chính sách mới theo hướng tăng thêm ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng ưu đãi đối với DN CNHT. Dự kiến, DN sản xuất sản phẩm CNHT được miễn thuế thu nhập tối đa 4 năm, giảm 50% 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, được miễn 50% thuế thu nhập cá nhân… Đối với các DN nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm CNHT sẽ được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư từ Quỹ đầu tư CNHT với lãi suất không quá 80% lãi suất vay thương mại với thời gian vay đến 10 năm; có thể được Qũy tín dụng DN vừa và nhỏ bảo lãnh.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Về cơ bản, chính sách mới và Quỹ đầu tư CNHT có thể khuyến khích DN tham gia phát triển CNHT. Tuy vậy, về lãi suất Quỹ đầu tư CNHT bằng 80% lãi suất vay thương mại là khá cao cần được cân nhắc thêm. Ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với DN sản xuất CNHT như chính sách đang thực hiện đối với ngư dân vay tín dụng đóng tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ. Cũng cần coi trọng việc tổ chức thực hiện chính sách mới và Quỹ đầu tư CNHT với thủ tục hành chính công khai, minh bạch, đơn giản để phòng tránh sách nhiễu và tham nhũng, lợi ích nhóm,.
“Trên cơ sở chính sách của nhà nước, từng tỉnh, thành phố cần có chính sách, cơ chế để tạo thêm điều kiện hỗ trợ DN thực hiện chủ trương phát triển CNHT của địa phương. Những tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách khá, chẳng hạn như Bắc Ninh nên thành lập Quỹ phát triển CNHT của tỉnh, để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ DN vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ” – GS.TSKH Nguyễn Mại chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mại, các DN Việt Nam cần tranh thủ cơ hội mới để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu về công nghiệp điện tử bằng cách hợp tác sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Samsung và các tập đoàn đa quốc gia khác, có chiến lược kinh doanh dài hạn, coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nguốn nhân lực, tiếp cận quản trị hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên làm chủ thị trường trong nước và từng bước tạo chổ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới