Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số và với quan điểm đầu tiên: nhận thức đóng vai trò quyết định thành công chuyển đổi số. Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó ưu tiên phát triển nền tảng dạy học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập rèn luyện kỹ năng.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp, việc tích hợp lớp học ảo cho khóa học GDNN rất cần thiết và là xu thế tất yếu, ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, tức là giai đoạn bình thường mới.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Chương trình đổi mới học tập của Trung tâm đào tạo quốc tế ITC ILO đã triển khai tới đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đạt được nhiều kết quả tốt; xin được chia sẻ như sau:
Khuôn viên ảo và sư phạm trực tuyến là hệ thống quản lý học tập trực tuyến (HTQLHT) - là phần mềm dạng dịch vụ/đám mây và được lưu trữ tại cơ sở.
- Hệ thống quản lý học tập: (1) Cung cấp và quản lý nội dung giảng dạy; (2)Cho phép người học tương tác; (3) Theo dõi tiến độ theo hướng đạt được các mục tiêu đó; (4)Thu thập và trình bày dữ liệu để phân tích quá trình học; (5) Quản lý quá trình điều hành và đăng ký khóa học.
- Hệ thống quản lý nội dung: (1) Giúp tạo, quản lý và sửa đổi nội dung trên một trang web mà không cần lập trình từ đầu; (2) Xử lý tất cả các vấn đề cơ bản về hạ tầng.
HTQLHT không chỉ là một không gian web để học mà còn làm cho việc học trở thành một trải nghiệm thực sự, giúp giảng viên và người học chủ động hơn trong học tập.
Chuyển thành chương trình GDNN kết hợp
Xác định các bước chính để chuyển một chương trình GDNN thành một chương trình giáo dục đào tạo kết hợp và khám phá các phương pháp đào tạo cải tiến và nâng cao về mặt công nghệ.
- Các bước tiến hành: (1) Tạo các khóa học manh tính tương tác, tài liệu hoặc câu đố. (2) Tải các khóa học lên một nền tảng HTQLHT. (3) Trong nền tảng có thể phân loại các khóa học. (4) Theo dõi tiến độ.
- Các điều kiện tiên quyết cần thiết: Cán bộ quản lý theo kịp sự phát triển công nghệ và sẵn sàng thay đổi; Có sẵn cơ sở hạ tầng cơ bản và trang thiết bị; Tính tự chủ trong việc đầu tư công nghệ; Khả năng tạo ra văn hóa đổi mới sáng tạo và liên hệ mật thiết với sinh viên với các ngành nghề.
Chương trình GDNN kết hợp tối đa hóa sự tham gia của học sinh học tập theo tiến độ của cá nhân, lấy học sinh làm trung tâm. Điều chỉnh trải nghiệm học tập, thu nhận ý kiến phản hồi về tài liệu khóa học và trải nghiệm học tập. Hướng dẫn người học xem xét một số khái niệm hoặc quan niệm khác, tham khảo thêm các tài nguyên khác để đi sâu về một chủ đề cụ thể mà họ quan tâm. Giúp tối ưu hóa trải nghiệm học tập: tự động hóa các quy trình, các hoạt động trong lớp thay vì các bài thuyết trình, tự động chấm điểm, thu thập dữ liệu, phân tích và sàng lọc. Mô hình này cũng rất tương thích cho sau này vì nó sẽ giảm chi phí đào tạo nếu ứng dụng để dạy online những phần lý thuyết và dạy offline những phần thực hành.
Thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR)
- Thực tế tăng cường (Augmented reality – viết tắt AR) là bổ sung nội dung do máy tính tạo ra vào thế giới thực. AR dành cho các kỹ năng kỹ thuật, cho phép học viên được đào tạo một cách an toàn trên máy tính trong môi trường ảo.
- Thực tế ảo (Virtual Reality – viết tắt VR) là môi trường hoàn toàn do máy tính tạo ra, phù hợp trong các hệ sinh thái học tập: Nguy Hiểm (Tránh các tình huống nguy hại cho người học trải nghiệm mà ở thực tế có thể khiến người học gặp rủi ro), Đồng Cảm (cho phép người học có thể giải quyết các tương tác của con người, trải nghiệm phản ứng thực tế), Không Thể (trình bày một khái niệm trừu tượng), Tốn Kém (giảm chi phí dạy học, đi lại). VR dành cho các kỹ năng chuyển đổi/kỹ năng mềm để hòa nhập xã hội.
Sử dụng AR kết hợp với VR tạo thành AVR (thực tế ảo tăng cường). Tích hợp AVR trong quá trình giảng dạy:
+ Trước khi lên lớp: Dạy lý thuyết trước khi dạy thực hành thông qua AVR
+ Hoạt động trên lớp: Nếu không có thiết bị thực hành thì sử dụng AVR
+ Hoạt động sau khi lên lớp: Giao bài tập cho người học quay video lại 1 kỹ năng thông qua AVR.
Giá trị và tính hiệu quả của thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đối với GDNN là vấn đề không còn phải bàn luận, tuy nhiên phạm vi áp dụng của chúng trong mọi lĩnh vực của GDNN vẫn đang còn hạn chế, không phải tất cả mọi lĩnh vực đều có thể sử dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường, điều này đòi hỏi công nghệ còn phải tiếp tục được nghiên cứu, phát triển hơn nữa.
Đánh giá trực tuyến và đảm bảo chất lượng
- Đánh giá điện tử hay đánh giá trực tuyến, đánh giá trên máy tính là sử dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động đánh giá; có thể thực hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau như: Hoạt động trực tuyến, Truyền thông xã hội và Hồ sơ điện tử.
- Lợi ích của đánh giá điện tử với học sinh:
+ Ngắn hạn: chức năng xử lý văn bản, công nghệ được ưu chuộng hơn hệ thống giấy, HTQLHT để đánh giá thường xuyên và đánh giá tổng kết.
+ Dài hạn: cho phép đánh giá xác thực, câu hỏi hấp dẫn, sáng tạo, hỗ trợ công nghệ và đổi mới để thực hiện đánh giá.
- Lợi ích của đánh giá điện tử với nhà giáo dục: (1) Câu hỏi hấp dẫn hơn, phản ánh đúng thực tế. (2) Chức năng sáng tạo.(3) Quản lý tri thức, ngân hàng câu hỏi. (4) Tự động chấm bài. (5) Loại bỏ các câu hỏi không hợp lệ. (6) Chấm điểm trực tuyến ở mọi nơi. (7) Có cái nhìn chi tiết hơn.
- Lợi ích của đánh giá điện tử với giảng viên:
+ Ngắn hạn: chấm điểm trực tuyến và tự động. Châm điểm mọi lúc, mọi nơi. Loại bỏ các câu trả lời không hợp lệ. Giảm nguy cơ thất lạc bài kiểm tra.
+ Dài hạn: Cho phép đánh giá xác thực, khách quan. Cái nhìn chi tiết hơn. Quản lý kiến thức. Theo dõi nhóm theo thời gian.
- Phần Lan là quốc gia áp dụng khá sớm và linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo và đánh giá năng lực cho người học (80% các hoạt động dạy và học được triển khai theo các phương pháp này). Mặc dù vậy Phần Lan vẫn gặp phải những khó khăn khi đánh giá năng lực bằng thực tế ảo, do đó việc đánh giá năng lực vẫn phải kết hợp giữa đánh giá trực tiếp kết hợp với đánh giá qua thực tế ảo.
Để đảm bảo được chất lượng cho học tập trong tương lai thì các tổ chức giáo dục có thể áp dụng khung chất lượng 8P's (People – Con người, Process – Quá trình, Promises- Cam kết, Participation – Sự tham tha, Policy – Chính sách, Partnership – Đối tác, Products – Sản phẩm, Prospective - Triển vọng) trong đánh giá chất lượng cơ sở GDNN. Việc đánh giá chất lượng dạy nghề phải được thực hiện theo hướng tiếp cận toàn diện, ở các cấp độ và góc nhìn khác nhau, từ vĩ mô đến siêu vi mô. Các mô hình đánh giá chất lượng thường tập trung vào 3 khía cạnh là dịch vụ, sản phẩm và quản lý. Việc đánh giá, công nhận chất lượng một cơ sở GDNN cần đồng bộ với việc công nhận kỹ năng của người lao động khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Kết luận
Từ những kinh nghiệm nêu trên, người đứng đầu các cơ sở GDNN cần tập trung triển khai những nội dung sau:
- Thay đổi nhận thức và chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số ngắn hạn và dài hạn, chú trọng xây dựng các học liệu số, số hóa các cơ sở dữ liệu cần thiết, chuyển đổi nhận thức cho giảng viên, đào tạo nhân lực để sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và chuyển đổi sang mô hình đào tạo kết hợp.
- Thí điểm áp dụng mô hình đào tạo kết hợp cho một số ngành, nghề; xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống đánh giá điện tử đối với một số ngành nghề cụ thể.
- Đầu tư thiết bị công nghệ thay thế đào tạo thực hành như VR, AR và thiết bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo trực tuyến.
- Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo về kỹ năng số, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng quản trị và phương pháp sư phạm điện tử, phương pháp xây dựng học liệu.
- Tích cực trao đổi học hỏi các mô hình đào tạo tại các quốc gia trên thế giới và các cơ sở GDNN trong nước để áp dụng hiệu quả vào đơn vị mình./.
Trần Quốc Huy, Vụ trưởng, Vụ Tổ chức Cán bộ, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp