Tuy nhiên, đằng sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và có chính sách tiền tệ phù hợp. Nhưng ở châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa tạo được ấn tượng rõ rệt khi tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế vẫn còn dai dẳng.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB - ông Kaushik Basua - cho rằng, kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm đáng lo ngại. Báo cáo cho biết nguyên nhân giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là vì viễn cảnh kinh tế khu vực đồng Euro và kinh tế Nhật Bản không mấy khả quan. Dòng chảy thương mại vẫn không hoạt động hiệu quả. Thêm vào đó là mức độ ảnh hưởng của việc giá dầu giảm đến nguồn thu của các nước sản xuất dầu mỏ.
Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch WB nhận định:
"Điều tối quan trọng là các nước cần phá bỏ mọi rào cản không cần thiết cho đầu tư vào khối tư nhân. Bởi đây vẫn là nguồn tạo việc làm lớn nhất và có thể giúp đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo".
Trong khi đó, tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kinh tế sẽ cải thiện hơn trong 2 năm tới, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,6% năm nay, đạt 5,8% năm 2016 và 6% năm 2017. Theo WB, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn những năm tới chủ yếu nhờ các cải cách về chính trị- kinh tế gần đây và dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng mạnh.
WB lưu ý, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng bền vững hơn, nhưng bảng cân đối tài chính của lĩnh vực ngân hàng vẫn cần phải được củng cố để tăng khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thực hiện cải cách hệ thống quy định nhằm tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
WB cũng dự báo, tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm từ mức ước tính 6,9% của năm 2014 xuống 6,7% trong năm 2015 và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ này trong 2 năm tiếp theo.
Khánh Hà (nguồn: theo Nguyễn Hường, baocongthuong.com.vn)