Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có ý nghĩa quan trọng trong thế kỷ 21, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trên toàn thế giới với những ghi nhận trong việc đào tạo lực lượng lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao cho toàn cầu tham gia vào việc tạo ra giá trị công việc năng suất, chất lượng, hiệu quả. Mục đích của GDNN là nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng và trau dồi thái độ cần thiết để giúp người học vững bước vào nghề được đào tạo và mở ra cơ hội thăng tiến giúp con người phát huy hết tiềm năng của họ.
Trình độ đào tạo nghề còn thấp
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống GDNN Việt Nam có thể nói là chưa thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường cả về chất lượng và số lượng, kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp trường nghề còn chưa phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong ba năm gần đây, đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới thành công. Kết quả tuyển sinh đạt gấp 2 lần giai đoạn trước đó. Phần lớn các trường nghề, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị đã thoát được tình trạng khó khăn trong tuyển sinh để bắt đầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô.
Thông tin từ Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, năm 2021 tuyển mới GDNN nước ta là 1.896.000 người, đạt khoảng 80% kế hoạch, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 482.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.414.000 người.
Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 1.658.000 người, đạt khoảng 80% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 314 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.343.000 người. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1% trong tổng số 41,9 triệu người tham gia lực lượng lao động.
Mục tiêu Chiến lược phát triển GDNN hướng tới là thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề.
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam hiện đứng thứ 67 trên 141 quốc gia. Riêng về chất lượng đào tạo nghề, nước ta đứng thứ 80 trên 100 quốc gia trên thế giới và tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Nguyên nhân khiến trình độ đào tạo nghề của Việt Nam còn thấp đã được chỉ ra, là do nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp còn hạn chế; trong khi tuyển sinh đại học lại quá dễ dàng, việc phân luồng học sinh sau trung học cũng chưa hiệu quả; nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn. Bên cạnh đó, nhiều trường nghề chưa được đầu tư, chương trình đào tạo, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở GDNN còn lạc hậu, đội ngũ giáo viên chưa được nâng cao trình độ....
Đào tạo nghề gắn liền với thị trường việc làm
Đào tạo nghề đang chịu tác động ngày càng lớn của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố, như thị trường quốc tế rộng lớn và có tiêu chuẩn cao, sự dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề trong khu vực, sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới chưa từng có, tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất, áp lực việc làm đối với giới trẻ, năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực,... đã, đang và sẽ tác động trực tiếp, đòi hỏi các giải pháp đột phá về đào tạo nghề, từ đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm đối với nhân lực nghề.
Số liệu từ WEF cho biết, đến năm 2025, 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.
Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn từ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, đào tạo nghề sẽ thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT, tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%... Mục tiêu xuyên suốt của GDNN là đào tạo nghề gắn liền với thị trường việc làm.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, giải pháp trước mắt là rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường, người sử dụng lao động và các tổ chức có liên quan trong các hoạt động GDNN; đồng bộ hóa việc quản lý đào tạo từ cơ quan quản lý đến các cơ sở GDNN, người học nhằm bảo đảm kết nối liên thông trong các hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp; đồng thời xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN với các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm.
Xuất phát từ yêu cầu đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ cung cấp cho thị trường lao động trong giai đoạn trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, một trong những giải pháp quan trọng được nhiều cơ sở GDNN chú trọng thực hiện là đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ hiện đại.