Ông Cao Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp phát biểu khai mạc khóa đào tạo
Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa Bộ Công Thương Hàn Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam tháng 12/2021, Kitech và IDC đã ký Biên bản ghi nhớ về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực khuôn mẫu Việt Nam. Trong đó, 80 kỹ sư Việt Nam được tuyển chọn từ các doanh nghiệp sản xuất sẽ được đào tạo và nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công khuôn mẫu mà đặc biệt là về khuôn đúc để có thể để thiết kế và sản xuất khuôn mẫu với độ chính xác cao hơn. Sau các khóa học, những người tham gia sẽ đạt được Chứng nhận tham gia khóa học được chứng nhận bởi cả hai Bên (Kitech và IDC).
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc khoá học, ông Cao Văn Bình - Giám đốc Trung tâm IDC cho biết, hiện nay, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và chú trọng phát triển. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất được xem như là “Nền tảng của nền công nghiệp”, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ.
Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu, cơ khí chính xác là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp.
Giá trị ngành công nghiệp khuôn mẫu tại Việt Nam hiện ước đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm, với tỷ lệ tăng trưởng 18%, nhưng vẫn chưa thể bứt phát do đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, có thể làm chủ công nghệ hiện đại.
Nhận thức được sự cần thiết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu, tiếp nối thành công của những khóa đào tạo trước, Trung tâm IDC tiến hành tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo hỗ trợ nâng cao kỹ năng Lập trình gia công cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác thuộc Chương trình Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công và đo kiểm cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022.
Đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công và đo kiểm cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022 bao gồm 4 khóa đào tạo: 01 khóa Thiết kế khuôn mẫu; 02 khóa lập trình gia công, 01 khóa Đo kiểm – mỗi khóa 20 học viên, thời lượng học 3 tuần/khóa. Đối tượng tuyển sinh là các kỹ thuật viên đến từ các doanh nghiệp, các giảng viên đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật; Các kỹ sư có chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng nâng cao tay nghề…
Trao đổi tại lễ khai mạc khóa học, Tiến sĩ Jung Ki Ho - nghiên cứu viên chính của Kitech cũng cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam chuyển dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguồn lao động sang mô hình công nghiệp nặng, hướng tới việc mở rộng cơ sở của ngành công nghiệp gốc. Đó là cơ sở cho sự phát triển của ngành công nghiệp nặng, và sự phát triển của chuỗi cung ứng phụ tùng trong nước.
Thông qua dự án hợp tác công nghệ gốc Hàn - Việt này, Kitech hy vọng sẽ nâng cao được kiến thức, trình độ về kỹ thuật cho những người mới bắt đầu tới các cán bộ đến từ các trường đào tạo nghề hay kỹ sư về công nghệ ép phun và công nghệ khuôn mẫu, bằng cách mở rộng cơ sở, các bộ phận sản xuất quy mô vừa và nhỏ khác nhau, từ đó góp phần thiết lập chuỗi cung ứng phụ tùng trong nước.
Các học viên tham gia khoá học được cập nhật kiến thức và kỹ năng cần thiết để bắt kịp xu thế.
Sự thành công của đề án từ những năm trước đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên các trường đại học và cao đẳng; kỹ sư đang làm việc tại các doanh nghiệp gia công cơ khí phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời gián tiếp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là ngành sản xuất khuôn mẫu Việt Nam nâng tầm hơn trong khu vực và trên thế giới.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia khóa học cũng kỳ vọng sẽ ngày càng nâng cao được năng lực chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu về sản phẩm kỹ thuật cao của khách hàng, qua đó có cơ hội mở rộng sản xuất, tăng trưởng kinh doanh đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Chị Vũ Như Nguyệt – Giảng viên Khoa Cơ khí – Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cũng nhận định, Đề án ra đời đúng thời điểm và tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo tiếp cận cập nhật kiến thức, và các kỹ năng cần thiết nhằm bắt kịp xu thế của thế giới.
Kỳ vọng, Đề án sẽ tiếp tục mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao nguồn nhân lực khuôn mẫu, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.