Trên thực tế, đối với những DN nội địa chỉ có Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam là có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, các DN tư nhân khác gần như chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ và không có thương hiệu. Điều này dẫn đến việc các DN này có nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm thì cũng khó chiếm thị phần do lượng máy nhập ngoại luôn có số lượng áp đảo và được sự ưa chuộng của người dân.
Thống kê mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2013 vừa qua Việt Nam phải chi ra khoảng 12,4 tỷ đồng để nhập khẩu vật tư nông nghiệp các loại. Trong số đó, một phần lớn được đầu tư để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất
Chính vì không cạnh tranh được về giá cả cũng như không có sự đa dạng về sản phẩm nên mặc dù tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng các DN cơ khí trong nước hạn chế đầu tư tài sản cố định cho phát triển mới và mở rộng quy mô. Cụ thể, số liệu thống kê của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, trong các năm giai đoạn 2010- 2012, các đơn vị chuyên về chế tạo cơ khí như Công ty CP cơ khí Long An, Công ty CP thiết bị phụ tùng cơ điện (Hà Nội), Công ty CP xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm (Long An)… đều có lợi nhuận từ 9- 55 tỷ đồng. Song các DN này chỉ dành từ 3- 44% lợi nhuận để đầu tư sản phẩm mới. Tính trung bình trong số 10 DN cơ khí nông nghiệp được khảo sát thì tỷ lệ này ở mức 42%. Điều này có nghĩa rằng, hầu hết các công ty cơ khí nông nghiệp trong nước chỉ đầu tư thay thế mà ít đầu tư mở rộng sản xuất.
Có thể thấy, DN nội địa đang mất dần vị thế trong thị trường cơ khí nông nghiệp tại Việt Nam. Nguyên nhân là do các DN cơ khí trong nước mặc dù luôn có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn không dám đầu tư vào sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị phần. Điều này phản ánh thực tế sự chấp nhận nhường “sân nhà” cho các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc của DN nội địa. Và xét đến cùng nguyên nhân chính không nằm ở phía năng lực của DN nội địa mà là do cách thức quản lý, phát triển thị trường cơ khí nông nghiệp từ nhiều năm nay bị bỏ lửng, không có sự đầu tư mang tính hệ thống và đồng bộ.
Những năm gần đây Chính phủ bắt đầu có những chính sách mới quan tâm và ưu đãi nhiều hơn cho hoạt động phát triển cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có những hỗ trợ rõ ràng hướng trực tiếp vào các khâu đào tạo nhân lực kỹ thuật, liên kết hợp tác công tư, hợp tác với DN FDI… thì thị trường máy nông nghiệp trong những năm tới vẫn sẽ vắng bóng sản phẩm mang thương hiệu Việt.